Các máy ảnh từ Tàu quỹ đạo Sao Hoả của NASA đã chụp được hình ảnh một khu vực với các dấu chấm gạch trên bề mặt Hành tinh Đỏ. Các dấu chấm gạch này được liên tưởng đến sự giống nhau một cách kỳ lạ với các ký hiệu của mã Morse.

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!

Nhưng bạn hãy khoan vội nín thở nếu nghĩ rằng những ký hiệu đó là của “người Sao Hoả” đang cố gắng gửi thông điệp đến “người Trái Đất”, tương tự như một người bị đắm tàu trôi dạt vào một hòn đảo và viết “help” trên bãi cát hay tảng đá lớn. Những dấu “chấm gạch” khổng lồ này  thực ra là những đụn cát được hình thành bởi các cơn gió trên Sao Hoả.

Bức ảnh có chứa các đụn cát màu tối trên Sao Hoả được chụp ngày 06/02/2016, lúc 15:16 giờ Sao Hoả, bởi máy ảnh HiRISE (High Resolution Imaging Science Experiment) của Tàu quỹ đạo Sao Hoả Mars Reconnaissance Orbiter của NASA. Những đụn cát này bị ảnh hưởng bởi địa hình địa phương. Hình dạng và hướng của các đụn cát có thể cho chúng ta biết về hướng gió.

Tuy nhiên, một hố tròn (có thể là một hố thiên thạch cũ bị vùi lấp) đã hạn chế lượng cát có sẵn cho việc hình thành các đụn cát và chịu ảnh hưởng bởi gió địa phương. Kết quả là, các đụn cát ở đây hình thành các chấm và dải dài riêng biệt. Các dấu “gạch ngang” này là những đụn cát liên tục được hình thành bởi các cơn gió hai chiều, là gió không di chuyển song song đến đụn cát. Thay vào đó, ảnh hưởng kết hợp của các cơn gió từ hai hướng vuông góc với các đụn cát, thổi vật chất vào thành một dạng liên tục. Các “chấm” nhỏ hơn (gọi là các “đụn cát barchanoid”) xảy ra ở nơi có một vài gián đoạn trong quá trình hình thành những đụn cái liên tục đó. Quá trình này vẫn chưa được hiểu biết một cách rõ ràng ở thời điểm hiện tại và là một động lực thúc đẩy HiRISE tiếp tục chụp ảnh khu vực này.

Veronica Bray, một nhà khoa học hành tinh từ Đại học Arizona, nói với Gizmodo rằng cô đã giải mã thành công “thông điệp” này. Nội dung của nó là: “NEE NED ZB 6TNN DEIBEDH SIEFI EBEEE SSIEI ESEE SEEE”.

Trường Đại học Arizona (Tucson), vận hành HiRISE. HiRISE được chế tạo bởi Tập đoàn Công nghệ và Hàng không Vũ trụ Ball (Boulder, Colorado). Phòng thí nghiệm Phản lực JPL của NASA, một bộ phận của Viện công nghệ California ở pasadena, quản lý Dự án Tàu quỹ đạo Sao Hoả Mars Reconnaissance Orbiter cho Ban điều hành Nhiệm vụ Khoa học của NASA.

Nguồn: IFLscience, NASA