Sứ mệnh Kepler của NASA đã xác nhận thêm 1284 hành tinh mới - lần phát hiện ngoại hành tinh số lượng lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại.

Ellen Stofan, nhà khoa học tại trụ sở NASA ở Washington cho biết: "Thông báo lần này công bố số lượng ngoại hành tinh đã xác nhận của Kepler tăng lên gấp đôi. Điều này mang lại cho chúng ta hy vọng ở đâu đó trong vũ trụ, xung quanh các ngôi sao như Mặt Trời, chúng ta cuối cùng có thể khám phá ra một Trái Đất khác". 

Các phân tích được thực hiện trên danh sách ứng viên ngoại hành tinh của tháng 7/2015 của kính thiên văn không gian Kepler, trong đó xác định được 4302 hành tinh tiềm năng. Đối với 1284 trong số các ứng viên này, mức độ chắc chắn lớn hơn 99% - là xác suất tối thiểu để có thể xác định đó là một "hành tinh". Ngoài ra, có 1327 ứng viên có khả năng là một hành tinh thực sự, nhưng không đạt đến ngưỡng 99% và sẽ cần phải nghiên cứu thêm. 707 ứng viên còn lại có thể là các hiện tượng vật lý thiên văn khác. Phân tích này cũng xác nhận lại 984 ứng viên trước đó đã được xác nhận bởi các kỹ thuật khác.

Paul Hertz, giám đốc bộ phận Vật lý thiên văn của NASA cho biết: "Trước khi kính thiên văn không gian Kepler được phóng lên, chúng ra không biết liệu ngoại hành tinh có phổ biến trong thiên hà hay không. Nhờ có Kepler và hội đồng nghiên cứu, hiện nay chúng ta biết có thể có nhiều hành tinh hơn cả các ngôi sao. Những kiến thức này làm nảy sinh thêm các sứ mệnh tương lai cần thiết đưa chúng ta tiến gần hơn bao giờ hết để biết liệu chúng ta có cô đơn trong vũ trụ này hay không".

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!

Hình ảnh đồ họa mô tả việc lựa chọn các phát hiện ngoại hành tinh được thực hiện ngày nay bởi kính viễn vọng không gian Kepler của NASA. Credits: NASA/W. Stenzel

Kepler chụp lại những tín hiệu rời rạc của các hành tinh xa xôi - đó là sự giảm độ sáng khi các hành tinh đi qua trước ngôi sao của chúng - tương tự với sự kiện Sao Thủy đi qua Mặt Trời ngày 09/5/2016 vừa qua. Kể từ khi hành tinh đầu tiên được phát hiện bên ngoài Hệ Mặt Trời hơn 20 năm trước, các nhà nghiên cứu đã phải dùng đến một phương pháp ngốn thời gian khủng khiếp, đó là xử lý và xác nhận từng hành tinh tiềm năng một.

Tuy vậy, thông báo mới nhất này dựa trên phương pháp phân tích thống kê có thể áp dụng với nhiều ứng viên cùng lúc. Timothy Morton, nhà khoa học tại Đại học Princeton, tác giả chính của bài báo khoa học công bố trên tạp chí Vật lý thiên văn, sử dụng một kỹ thuật phân chia cho mỗi ứng viên Kepler một tỷ lệ phần trăm xác suất riêng - là kỹ thuật tính toán tự động đầu tiên về lĩnh vực tìm kiếm này, khi các kỹ thuật thống kê trước đó chỉ tập trung vào các nhóm nhỏ hơn bên trong một danh sách lớn các ứng viên hành tinh xác định bởi Kepler.

Morton cho biết: "Các ứng viên ngoại hành tinh cũng như những mẩu bánh mì. Nếu bạn thả một vài mẩu lớn lên sàn nhà, bạn chỉ có thể nhặt chúng lên từng mẩu một. Nhưng nếu bạn làm đổ cả một túi gồm những mẩu vụn nhỏ, bạn sẽ cần đến một chiếc lược cào. Phân tích thống kê này chính là chiếc lược của chúng ta".

Trong sự kiện một số lượng lớn hành tinh được xác định lần này, có gần 550 hành tinh có thể là các hành tinh đất đá như Trái Đất, dựa trên kích thước của chúng. 9 hành tinh trong số này có quỹ đạo trong vùng hỗ trợ sự sống, với khoảng cách từ ngôi sao phù hợp để hành tinh đó có được nhiệt độ bề mặt cho phép nước tồn tại ở dạng lỏng. Với việc phát hiện thêm 9 hành tinh này, số lượng các hành tinh trong vùng hỗ trợ sự sống đã tăng lên con số 21.

Natalie Batalha, đồng tác giả của bài báo và là nhà khoa học của sứ mệnh Kepler ở Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA tại Moffett Field, California, cho biết: "Người ta nói rằng không nên đếm số gà của chúng ta trước khi chúng nở, nhưng đó chính là những kết quả cho phép chúng ta thực hiện dựa trên xác suất mà mỗi quả trứng (mỗi ứng viên) sẽ nở thành gà (hành tinh). Công việc này sẽ giúp Kepler chạm đến tiềm năng lớn nhất để mang lại hiểu biết sâu hơn về số lượng các ngôi sao có chứa các hành tinh cỡ Trái Đất trong vùng hỗ trợ sự sống - một con số cần thiết để thiết kế các sứ mệnh tương lai tìm kiếm các môi trường hỗ trợ sự sống và kể cả sự sống ngoài Trái Đất".

Với tổng số gần 5000 ứng viên ngoại hành tinh được tìm thấy đến nay, có hơn 3200 đã được xác nhận, và 2325 trong số này được phát hiện bởi Kepler.

Được phóng vào vũ trụ hồi tháng 3/2009, Kepler là sứ mệnh đầu tiên của NASA tìm kiếm các hành tinh tiềm năng có kích thước Trái Đất trong vùng hỗ trợ sự sống. Trong 4 năm, Kepler đã theo dõi 150000 ngôi sao trong một vùng nhỏ trên bầu trời, đo đạc sự dao động vô cùng yếu của độ sáng các ngôi sao để có thể phát hiện sự kiện đi qua của các hành tinh. Đến năm 2018, Vệ tinh Thăm dò Ngoại hành tinh Đi qua của NASA (Transiting Exoplanet Survey Satellite) sẽ sử dụng cùng phương pháp này để theo dõi 200000 ngôi sao sáng gần chúng ta nhất và tìm kiếm các hành tinh, tập trung vào các hành tinh kích thước Trái Đất và các Siêu Trái Đất.

Trong sứ mệnh quan trọng này, Trung tâm Nghiên cứu Ames chịu trách nhiệm quản lý sứ mệnh Kepler cho Ban giám đốc Sứ mệnh Khoa học của NASA ở Washington. Phòng thí nghiệm Phản lực (Jet Propulsion Laboratory) ở Pasadena, California, chịu trách nhiệm quản lý phát triển sứ mệnh Kepler. Tập đoàn Công nghệ và Hàng không vũ trụ Ball chịu trách nhiệm vận hành hệ thống bay, với sự hỗ trợ của Phòng thí nghiệm Khí quyển và Vật lý Vũ trụ tại Đại học Colorado ở Boulder.

Nguồn: NASA