Những hành tinh có 4 Mặt Trời trên bầu trời của nó có thể tồn tại nhiều trong vũ trụ, một nghiên cứu mới đây khẳng định.

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!Hình vẽ mô tả của họa sĩ về hệ sao bốn cho thấy một hành tinh khí khổng lồ đang di chuyển trên quỹ đạo quanh ngôi sao chủ (màu vàng), trong khi ngôi sao lùn đỏ mới phát hiện (góc trên bên trái) đang di chuyển gần đó. Ở khoảng cách xa hơn là một cặp sao đôi ở góc trên bên phải. Credit: Karen Teramura, UH IfA

Các nhà thiên văn học đã xác định được ngôi sao thứ tư trong một hệ hành tinh có tên gọi 30 Ari, nâng số lượng các ngoại hành tinh thuộc hệ sao bốn lên con số 2. Nhiều hành tinh có hai hoặc ba Mặt Trời cũng đã được phát hiện trước đó.

30 Ari nằm cách chúng ta 136 năm ánh sáng ở phía chòm sao Bạch Dương (Aries). Các nhà thiên văn học phát hiện hành tinh khổng lồ này năm 2009; có khối lượng gấp 10 lần Sao Mộc và có quỹ đạo quanh ngôi sao chủ với chu kỳ 335 ngày. Cặp sao đôi thứ 2 nằm cách đó khoảng 1670 đơn vị thiên văn (1670 AU).

Lewis Roberts (NASA/JPL) cùng đồng nghiệp đã sử dụng hệ thống quang học đáp ứng mới có tên gọi "Robo-AO" tại đài quan sát Palomar ở California để quét bầu trời, kiểm tra hàng trăm ngôi sao mỗi đêm để tìm kiếm các hệ sao. Nghiên cứu này đã xác định được ngôi sao thứ tư nằm gần ngôi sao chính của hệ 30 Ari.

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!
Hình vẽ mô tả chuyển động của hệ sao bốn. Hệ sao đôi di chuyển xung quanh nhau ở vòng tròn bên phải, trong khi hành tinh khí khổng lồ di chuyển bên trong một hệ nhị phân khác (trái). Credit: NASA/JPL-Caltech

Ngôi sao mới phát hiện quay xung quanh bạn đồng hành của nó với chu kỳ khoảng 80 năm, tại khoảng cách chỉ 22 AU, nhưng nó không hề gây ảnh hưởng gì đến quỹ đạo của hành tinh khổng lồ nói trên dù khoảng cách là rất gần. Đây là một kết quả gây kinh ngạc và sẽ cần nhiều quan sát trong tương lai để có thể hiểu được.

Về mặt lý thuyết, đứng từ bề mặt hành tinh này nhìn ra bầu khí quyển của nó, sẽ nhìn thấy một Mặt Trời nhỏ và hai Mặt Trời khác sáng hơn hiện diện vào ban ngày. Với một chiếc kính thiên văn đủ lớn, một trong hai ngôi sao sáng này có thể nhìn thấy rõ là một cặp sao nhị phân.

Đây là lần thứ hai các nhà thiên văn học phát hiện một hành tinh ở trong một hệ sao bốn. Phát hiện đầu tiên thuộc về hệ sao Kepler-64b (hay còn gọi PH1b), được công bố năm 2012 từ các dữ liệu công khai của sứ mệnh Kepler (NASA).

Bên cạnh phát hiện này, nhóm nghiên cứu còn phát hiện ngôi sao thứ ba của một hệ hành tinh khác từng được cho là chỉ có hai Mặt Trời.

Đó là hệ hành tinh HD 2638, có chứa một hành tinh có khối lượng bằng một nửa Sao Mộc, di chuyển một vòng quỹ đạo quanh ngôi sao chính chỉ trong vòng 3.4 ngày, trong khi ngôi sao thứ hai nằm cách xa khoảng 44000 AU, hay 0.7 năm ánh sáng. Phát hiện mới về ngôi sao thứ ba chỉ nằm cách 28 AU từ ngôi sao chính, và nó dường như có gây ảnh hưởng đến quỹ đạo của hành tinh khí này.

Nghiên cứu này sẽ được công bố trong tháng này tại Tạp chí Thiên văn học.

Theo SPACE