Voyager 1 là một trong hai tàu vũ trụ anh em được phóng vào 44 năm về trước và cũng là vật thể nhân tạo đi được khoảng cách xa nhất trong không gian hiện vẫn hoạt động và tiến vào vô cực.

Từ lâu, con tàu này đã ra ngoài rìa Hệ Mặt Trời qua vành Nhật Quyển- biên giới của Hệ Mặt Trời với môi trường liên sao. Theo nghiên cứu do Đại học Cornell dẫn đầu được công bố trên tạp chí Nature Astronomy, giờ đây các thiết bị của nó đã phát hiện tín hiệu liên tục của khí liên sao (sóng plasma).

Xem xét các dữ liệu được gửi về từ khoảng cách xa hơn 14 tỉ dặm, Stella Koch Ocker, một nghiên cứu sinh tiến sĩ thiên văn học tại Cornell, đã khám phá ra sự phát xạ. Ocker nói: “Nó rất mờ nhạt và đơn điệu, bởi vì nó nằm trong một băng thông tần số hẹp. "Chúng tôi đang phát hiện ra tiếng ồn nhỏ và dai dẳng của khí liên sao."

Công trình này cho phép các nhà khoa học hiểu hơn về cách mà môi trường liên sao tương tác với gió Mặt Trời, cách bong bóng bảo vệ của Nhật Quyển được hình thành và phát triển.

Được phóng vào tháng 9 năm 1977, tàu vũ trụ Voyager 1 đã ghé thăm Sao Mộc vào năm 1979 và sau đó là Sao Thổ vào cuối năm 1980. Với tốc độ di chuyển khoảng 61.155,072 kilometers/giờ (38.000 dặm/ giờ), Voyager đã vượt ra khỏi vành Nhật Quyển vào tháng 8 năm 2012.

Sau khi đi vào môi trường liên sao, hệ thống sóng plasma của tàu vũ trụ này đã phát hiện ra những nhiễu động trong khí liên sao. Song, giữa những nhiễu động gây ra bởi chính Mặt Trời của chúng ta, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy một tín hiệu ổn định, bền bỉ được tạo ra rất nhỏ ngoài không gian.

"Những tín hiệu từ môi trường liên sao gần như một cơn mưa nhẹ nhàng, trong khi tín hiệu tới từ năng lượng của Mặt Trời lại giống như một tia sét bùng lên trong cơn giông rồi lại trở về một cơn mưa nhẹ." Theo giáo sư George Feldstein.

Ocker tin rằng có nhiều hoạt động ở mức độ thấp trong khí liên sao hơn các nhà khoa học đã nghĩ trước đó, điều này cũng cho phép họ nghiên cứu và theo dõi sự phân bổ trong không gian của plasma- khi nó không bị nhiễu bởi nguồn năng lượng từ các lóa Mặt Trời.

Nhà nghiên cứu của Cornell - Shami Chatterjee đã giải thích việc theo dõi liên tục mật độ của không gian liên sao là rất quan trọng, ông nói: "Chúng tôi chưa từng có cơ hội để xem xét nó, hiện giờ chúng tôi có thể đo đạc plasma trong môi trường liên sao mà không cần tới một sự kiện ngẫu nhiên nào đó liên quan tới Mặt Trời, bất kể Mặt Trời đang làm gì, tàu Voyager đều đang gửi lại thông tin chi tiết, nó thật sự đang nói - đây là mật độ xung quanh tôi, nó như này, nó như kia, Voyager ở khá xa và nó sẽ làm công việc đó không ngừng!"

Tàu Voyager 1 rời Trái Đất mang theo chiếc đĩa vàng được tạo nên bởi Ủy ban do giáo sư Carl Sagan quá cố của Cornell chủ trì, cũng như mang theo công nghệ giữa những năm 1970. Theo phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của NASA, để gửi một tín hiệu về Trái Đất cần 22 watt. Chiếc tàu này có gần 70 kilobyte bộ nhớ máy tính, và khi bắt đầu nhiệm vụ, tốc độ xử lý dữ liệu là 21 kilobit/s.

Do ở khoảng cách 14 tỷ dặm (22 500 000 000 kilometers), tốc độ đường truyền kể từ đó chậm lại còn 160 bit/s.

Thực hiện: Lượm Đoàn, Nhung Nguyễn, Seul Bi Nguyễn.

Tham khảo

  1. In the emptiness of space, Voyager 1 detects plasma ‘hum’ | Cornell Chronicle. (2021). Retrieved 5 June 2021, from https://news.cornell.edu/stories/2021/05/emptiness-space-voyager-1-detects-plasma-hum
  2. Ocker, S.K., Cordes, J.M., Chatterjee, S. et al. Persistent plasma waves in interstellar space detected by Voyager 1. Nat Astron (2021). https://doi.org/10.1038/s41550-021-01363-7