Ly giác (elongation) là thuật ngữ chỉ góc giữa một hành tinh với Mặt Trời hoặc giữa hai hành tinh với nhau khi quan sát tại Trái Đất. 

Đối với các hành tinh vòng trong, do có quỹ đạo gần Mặt Trời nên thường bị ánh sáng Mặt Trời lấn át và trở nên khó quan sát từ Trái Đất. Do đó, vị trí quan sát thuận lợi nhất là khi hành tinh này ở ly giác cực đại (largest elongation) với Mặt Trời. Tại vị trí này, hành tinh sẽ mọc trước Mặt Trời vào buổi sáng hoặc lặn sau Mặt Trời vào buổi tối và có thể quan sát được do không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng Mặt Trời.

Vị trí ly giác cực đại phía đông (greatest eastern elongation) có nghĩa là hành tinh sẽ ở vị trí cao nhất trên bầu trời ngay sau khi Mặt Trời lặn, trong khi đó vị trí ly giác cực đại phía tây (greatest western elongation) có nghĩa là hành tinh sẽ ở vị trí cao nhất ngay trước khi Mặt Trời mọc. (Xem mô tả ở Hình 2).

Nếu một hành tinh vòng trong có ly giác với Mặt Trời bằng 0 độ và đang ở vị trí xa nhất bên kia Mặt Trời, thì hành tinh đó đang ở vị trí giao hội ngoài (superior conjunction) với Mặt Trời. Ngược lại nếu hành tinh đó có ly giác với Mặt Trời bằng 0 độ và ở phía gần Trái Đất thì gọi là giao hội trong (inferior conjunction) với Mặt Trời.

Hình 2. Hình vẽ mô tả vị trí của một hành tinh vòng trong (màu tím) và một hành tinh vòng ngoài (màu xanh lá) trên quỹ đạo của chúng so với vị trí của Trái Đất và Mặt Trời.


Từ khóa xem nhiều