Chòm sao Thiên nga (Cygnus, The Swan)

Vào mùa hè các bạn có thể dễ dàng quan sát được một nhóm sao rất nổi bật trên bầu trời  chính là “Tam giác mùa hè”, bao gồm ba ngôi sao: Ngưu Lang (Altair) thuộc chòm Thiên Ưng, Chức Nữ (Vega) thuộc chòm Thiên Cầm và cuối cùng là Thiên Tân (Deneb) thuộc về chòm sao Thiên Nga.

Chòm sao Thiên Nga là một chòm sao nổi tiếng ở trên bầu trời phương Bắc. Nó được gắn liền với câu chuyện về Zeus và Leda trong thần thoại Hy Lạp cổ đại. Chúng ta có thể dễ dàng nhận biết được chòm sao này thông qua một nhóm sao gọi là “Thập tự phương Bắc” (Northern Cross). Chòm sao này lần đầu tiên được ghi chép lại bởi nhà thiên văn học người Hy Lạp, Ptolemy vào thế kỉ thứ 2.

Chòm sao Thiên Nga (Cygnus) trên bầu trời đêm. Chúng ta có thể thấy nhóm sao "Thập tự phương Bắc" (Northern Cross) nằm hoàn toàn vào trong của Tam Giác Mùa Hè (Summer Triangle). (Credit: EarthSky.org)

 

Một vài vật thể nổi bật thuộc về chòm Thiên Nga bao gồm Cygnus X-1, một nguồn phát xạ tia X nổi tiếng, hai ngôi sao sáng nhất: Deneb và Albireo, sao lùn vàng Kepler-22 (ngôi sao chủ của ngoại hành tinh Kepler-22b), thiên hà Pháo hoa (Fireworks Galaxy, NGC 6946) và một số tinh vân như: tinh vân Kén (Cocoon Nebula, IC 5146), tinh vân Jewel Bug (NGC 7027), tinh vân Bồ nông (Pelican Nebula, IC 5070), tinh vân Bắc Mỹ (North America Nebula, NGC 7000), tinh vân Lưỡi liềm (Crescent Nebula, NGC 6888), vùng Sadr (Sadr Region, IC 1318) và tinh vân Veil ( NGC 6960, 6962, 6979, 6992 và 6995).

Một vài fact và vị trí

Chòm sao Thiên Nga là chòm sao lớn thứ 16 và chiếm khoảng 804 độ vuông trên bầu trời đêm. Nó nằm ở góc phần tư thứ tư của thiên cầu Bắc và có thể được quan sát từ vĩ độ +90 đến -40. Các chòm sao lân cận bao gồm: Tiên Vương (Cepheus), Thiên Long (Draco), Hiết Hổ (Lacerta), Thiên Cầm (Lyra), Phi Mã (Pegasus) và Hồ Ly (Vulpecula).

Bản đồ sao của chòm Thiên Ưng  (credits: IAU và Sky&Telescope magazine)

Tên gốc của chòm sao này là Cygnus, phiên âm Hán Việt là Thiên Nga hoặc The Swan trong tiếng Anh. Dạng sở hữu cách được viết là Cygni, khi đặt tên cho các ngôi sao ở trong chòm sao này. Ký hiệu viết tắt của chòm sao là “Cyg” được thông qua bởi Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) vào năm 1922. 

Thiên Nga thuộc về một nhóm các chòm sao được gọi là “Hercules Family” cùng với Thiên Đàn (Ara), Nhân Mã (Centaurus), Nam Miện (Corona Australis), Ô Nha (Corvus), Cự Tước (Crater), Nam Thập Tự (Crux), Thiên Ưng (Aquila), Vũ Tiên (Hercules), Trường Xà (Hydra), Sài Lang (Lupus), Thiên Cầm (Lyra), Xà Phu (Ophiuchus), Thiên Tiễn (Sagitta), Thuẫn Bài (Scutum), Cự Xà (Serpens), Lục Phân Nghi (Sextans), Nam Tam Giác (Triangulum Australe) và Hồ Ly (Vulpecula).

Có 10 ngôi sao thuộc chòm Thiên Nga được biết là có ngoại hành tinh quay xung quanh và nó cũng chứa hai thiên thể Messier: M29 (NGC 6913) và M39 (NGC 7092). Ngôi sao sáng nhất thuộc chòm này là Thiên Tân (Hán Việt) hay còn gọi là Deneb hoặc Alpha Cygni, là ngôi sao sáng thứ 19 trên bầu trời đêm với độ sáng biểu kiến là 1.25. 6 ngôi sao có tên chính thức được thông qua bởi Hiệp hội Thiên văn Quốc tế bao gồm: Albireo (Beta Cygni), Aljanah (Epsilon Cygni), Azelfafage, Deneb (Alpha Cygni), Fawaris (Delta Cygni) và Sadr (Gamma Cygni). Ngoài ra còn có 2 trận mưa sao băng xuất phát từ đây là: October Cygnids và Kappa Cygnids.

Chòm sao Thiên Ưng (Aquila) 23h30 ngày 28/05/2023 mô phỏng bằng phần mềm Stellarium. Các chòm sao thể hiện trên mô phỏng Thiên Nga (Cygnus), Thiên Cầm (Lyra), Hồ Ly (Vulpecula), Thiên Tiễn (Sagitta), Hải Đồn (Delphinus) và Thuẫn Bài (Scutum). Ngoài ra còn có Tam Giác Mùa Hè (Summer Triangle) được tạo bởi ba ngôi sao Altair (Ngưu Lang), Vega (Chức Nữ) và Deneb (Thiên Tân).

Thần thoại

Chòm sao Thiên Nga được gắn liền với khá nhiều thần thoại về nó, phổ biến nhất chính là câu chuyện về nữ hoàng của người Sparta, Leda, là mẹ của cặp song sinh Pollux và Castor, sau khi bị quyến rũ bởi con thiên nga do Zeus biến thành. Hình tượng của Castor và Pollux chính là chòm sao hoàng đạo Song Tử (Gemini).

Thỉnh thoảng chòm Thiên Nga còn được thể hiện cho hình tượng của một vị thi sĩ danh tiếng của Hy Lạp, Orpheus, người đã chết dưới tay của một lũ đàn bà say rượu người Thrace vì đã không tôn vinh vị thần Dionysus trong lễ hội của ông. Sau cái chết của mình, Orpheus đã được các vị thần hóa thành con thiên nga đặt cạnh chiếc đàn của anh ấy trên bầu trời, cây đàn đó chính là chòm sao Thiên Cầm. 

Ngoài ra còn có ba câu chuyện nổi tiếng về chòm sao Thiên Nga trong thần thoại Hy Lạp liên quan đến Cycnus. Trong câu chuyện đầu tiên, Cycnus là con trai của vị thần “Chiến tranh” Ares, và anh ta đã chết dưới tay của Hercules trong một trận thách đấu. Ở câu chuyện thứ hai, Cycnus được biết đến là con trai của vị thần “Biển cả” Poseidon, trong cuộc chiến thành Troy, anh đã đứng về phía người Troy và chết dưới tay của Achilles, ở hai câu chuyện trên Cycnus đều được hoá thân thành con thiên nga trên bầu trời. 

Và câu chuyện cuối cùng, cũng là câu chuyện thường được nhắc đến nhiều nhất, đó là về Cycnus, người bạn thân của Phaeton, con trai thần “Mặt Trời” Helios. Trong một lần 2 “dân tổ” này cùng đua nhau xem ai chạy nhanh nhất thì khi đến quá gần Mặt Trời, cả 2 xe ngựa của họ đều bị bốc cháy và rơi xuống Trái Đất. Cycnus may mắn không bị gì, nhưng mà bạn của anh thì khác, sau một hồi tìm kiếm Phaeton, anh phát hiện rằng cơ thể người bạn thân “xấu số” của mình bị kẹt ở dưới đáy của dòng sông Eridanus. Và Cycnus không thể cứu được thi thể của người bạn mình nên anh đã đưa ra một giao ước với Zeus rằng: nếu vị thần cho anh cơ thể của một con thiên nga, thì anh chỉ sẽ sống thời gian đủ bằng quãng đời của thiên nga. Sau khi được chuyển hoá thành thiên nga, Cycnus liền lặn xuống đáy sông và cứu vớt thi thể của Phaeton sau đó chôn cất người bạn của mình. Nhờ vậy mà linh hồn của Phaeton có thể đến được thế giới bên kia. Zeus sau đó đã đưa sự hy sinh của Cycnus và hình ảnh của anh lên bầu trời.

Ở một diễn biến khác, người Trung Hoa cổ đại cũng có một sự tích về chòm Thiên Nga chính là câu chuyện về Ngưu Lang và Chức Nữ. Trong câu chuyện này, tình yêu giữa Ngưu Lang và Chức Nữ bị chia cắt bởi vị tiên Thiên Hậu, mẹ của Chức Nữ, bà không cho phép con gái mình qua lại với một người phàm. Khi Thiên Hậu biết đến sự kết hôn bí mật của hai người họ, bà đã bắt Chức Nữ đi và tạo nên một con sông giữa bầu trời để chia cắt đôi vợ chồng mãi mãi, đây chính là Dải Ngân Hà (Milky Way) hay còn gọi là “sông Ngân”. Ngưu Lang quyết định dẫn hai đứa con của họ (chính là hai ngôi sao Beta Aquilae và Gamma Aquilae) lên trời để gia đình có thể được sum họp, tuy nhiên Thiên Hậu vẫn không mủi lòng và không cho phép điều đó. Vì thấy thương cho cặp vợ chồng, hằng nằm những con quạ trên thế giới đều tụ họp về đúng ngày 7/7 Âm lịch và tạo thành một cây cầu bắt qua sông để giúp hai vợ chồng có thể đoàn tụ, đây chính là hình tượng chòm sao Thiên Nga trong truyền thuyết.

Tham khảo