Ngày 04/05/1989, tàu con thoi Atlantis đã được phóng lên từ sân bay vũ trụ Kenedy. Nhiệm vụ của tàu Atlantis là phóng tàu thăm dò Sao Kim Magellan [1]

 

Ảnh: Tàu Magellan trên đường tiến đến Sao Kim

 

Tàu thăm dò Magellan được thiết kế với mục đích chủ yếu là chụp ảnh bề mặt hành tinh ở khoảng cách gần. Tên của tàu thăm dò được đặt để vinh danh nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha thế kỷ XVI Ferdinand Magellan. Đây là lần đầu tiên NASA thực hiện việc phóng tàu thăm dò không gian từ khoang chở hàng của các tàu con thoi (sau Magellan, các tàu Ulysses thám hiểm Mặt Trời và Galileo thám hiểm Sao Mộc tiếp tục được phóng bằng phương pháp này). Magellan cũng là tàu thàm hiểm đầu tiên sử dụng kỹ thuật aerobraking (giảm tốc nhờ khí quyển).[2]

 


Ảnh: Tàu Magellan được triển khai trong khoang trở hàng của tàu Atlantis

 

Các kết quả quan sát của những tàu thăm dò Sao Kim trước Magellan đã cung cấp cho các nhà khoa học những hình ảnh với độ phân giải thấp về các đặc điểm cơ bản của địa hình hành tinh này. Tàu thăm dò Magellan có nhiệm vụ chụp các bức ảnh có độ phân giải cao hơn, cho phép nhận biết và phân tích đặc điểm về địa hình Sao Kim (các crater, đồi, gò, ...). [2]

 


Ảnh: Tàu Atlantis chuẩn bị phóng tàu Magellan

 

Sau khi rời khỏi khoang chứa của tàu Atlantis, tàu Magellan khởi động tên lửa, bay 1.5 vòng quanh Mặt Trời và tiếp cận Sao Kim sau 15 tháng (ngày 10/08/1990). Trong thời gian từ năm 1990 đến tháng 9 năm 1992, tàu Magellan đã chụp ảnh khoảng 98% bề mặt Sao Kim. Các bức ảnh này cho phép quan sát sự thay đổi của các vùng trên Sao Kim sau 1 năm (năm Sao Kim bằng khoảng 243 ngày Trái Đất) cũng như cho phép dựng lại hình ảnh 3 chiều của khoảng 22% bề mặt hành tinh này.[2]

 


Ảnh: Một khu vực trên Sao Kim dựng lại từ kết quả quan sát của tàu thám hiểm Magellan

 

Từ sau tháng 9 năm 1992 cho đến khi kết thúc nhiệm vụ, tàu Magellan chuyển xuống các quỹ đạo gần bề mặt Sao Kim hơn, chủ yếu thu thập các thông tin về từ trường của và lớp trên cùng của tầng khí quyển của Sao Kim. Ngày 12/10/1994, tàu Magellan rơi vào khí quyển Sao Kim và bùng cháy, hoàn thành nhiệm vụ theo đúng như kế hoạch đã được đề ra [2].

Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 - 2007. May 04 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/5/5_4.htm
[2]Wikipedia, 3/2007. Magellan Probe, http://en.wikipedia.org/wiki/Magellan_probe

Hero_Zeratul
Box Thiên văn học - ttvnol.com