Galileo Galilei (15/02/1564 – 08/01/1642) là một nhà thiên văn học, vật lý học, toán học và triết học người Ý, người đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng khoa học. Các thành tựu của ông gồm những cải tiến cho kính thiên văn và các quan sát thiên văn sau đó, và ủng hộ Chủ nghĩa Copernicus. Galileo đã được gọi là "cha đẻ của việc quan sát thiên văn học hiện đại", "cha đẻ của vật lý hiện đại", "cha đẻ của khoa học", và "cha đẻ của Khoa học hiện đại." Stephen Hawking đã nói, "Galileo, có lẽ hơn bất kỳ một người riêng biệt nào, chịu trách nhiệm về sự khai sinh khoa học hiện đại."

Sự chuyển động của các vật thể tăng tốc đều, được dạy ở hầu hết trong các khóa học về vật lý của các trường trung học và cao đẳng, đã được Galileo nghiên cứu trong chủ đề về chuyển động học. Những đóng góp của ông trong thiên văn học quan sát gồm vệc xác nhận các pha của Sao Kim bằng kính thiên văn, phát hiện bốn vệ tinh lớn nhất của Sao Mộc, được đặt tên là các vệ tinh Galileo để vinh danh ông, và sự quan sát và phân tích vết đen Mặt Trời. Galileo cũng làm việc trong khoa học và công nghệ ứng dụng, cải tiến thiết kế la bàn.

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê! http://vatlythienvan.com
Chân dung Galileo Galilei.

Kính thiên văn là một phát kiến quan trọng trong lịch sử Thiên văn học. Ông đã đề cập đến nó trong một bài luận có tựa đề "Sứ giả ánh sao" (Starry Messenger) cùng với những phát hiện quan trọng khác. VLTV trân trọng giới thiệu với độc giả một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Galileo: "Sứ giả ánh sao" (Starry Messenger) thông qua bản dịch của Ts. Nguyễn Lương Quang (CITA - Canada). 

***

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê! http://vatlythienvan.com
Trang bìa của tác phẩm.

Giới thiệu

Trong tác phẩm nhỏ này tôi công bố một số kiến giải về các hiện tượng tự nhiên cho những ai quan tâm xem xét và đánh giá. Những kiến giải này sẽ thu hút sự chú ý của nhiều người, theo tôi, thứ nhất là bởi vì bản chất vượt trội của nó, thứ hai là tính mới lạ tuyệt đối, và cuối cùng là dụng cụ được áp dụng trong nghiên cứu này của tôi.

Cho tới nay, bằng mắt thường ta chỉ có thể quan sát được một số lượng nhất định các ngôi sao cố định,1 vì vậy việc khám phá ra vô số các ngôi sao cố định khác mà số lượng vượt quá danh sách cũ hàng chục rõ ràng là mang ý nghĩa to lớn.

Mặt trăng nằm cách trái đất chúng ta khoảng 60 lần bán kính của trái đất.2 Có lẽ sẽ rất thú vị và hoành tráng nếu ta quan sát mặt trăng như thể ta chỉ ở cách nó 2 lần bán kính của trái đất. Ở khoảng cách này, đường kính của mặt trăng sẽ được phóng đại lên 30 lần, diện tích sẽ là 900 lần và thể tích sẽ là 27 nghìn lần. Kết quả là, chỉ dựa vào cảm giác của các giác quan thông thường, ta có thể chắc chắn rằng mặt trăng không có một bề mặt bằng phẳng, láng bóng mà thực sự rất xù xì và ghồ ghề, cũng giống như trái đất của chúng ta với đầy những chỗ nhô lên, lõm xuống và ngoằn nghèo ở khắp mọi nơi.3

Các vấn đề về thiên hà hay còn gọi là Dải Ngân Hà không thể bị xem thường nếu như ta muốn phần nào chấm dứt các cuộc tranh luận về nó và đồng thời làm rõ bản chất của nó để trực giác của ta có thể cảm nhận được sự tồn tại của nó. Thêm vào đó, việc tìm ra bản chất của những ngôi sao mà các nhà thiên văn từ trước đến nay vẫn gọi là tinh vân (nebulous) và chứng minh rằng nó hoàn toàn khác với những gì mà chúng ta tin trước đến nay sẽ rất có ích và thú vị. Khám phá này sẽ khuấy động mọi người và nhân đây tôi cũng đặc biệt kêu gọi sự quan tâm của các nhà thiên văn và triết gia về một khám phá mới. Tôi muốn công bố rằng tôi đã khám phá ra 4 hành tinh4 khác chưa từng được các nhà thiên văn nào biết hoặc quan sát trước đây. Cũng giống như hành tinh Kim (Sao Kim) và hành tinh Thủy (Sao Thủy), chúng xoay quanh mặt trời, thỉnh thoảng nằm ở trước và thỉnh thoảng nằm ở sau mặt trời mặc dù chúng chưa bao giờ vượt qua khỏi một giới hạn cố định nào đó. Tất cả những khám phá này được tôi quan sát vài ngày trước đây bằng kính thiên văn nhờ vào ân huệ của đức chúa trời đã soi sáng trí óc tôi.

Có lẽ tới đây trong tương lai, tôi hoặc ai khác có thể sẽ khám phá ra được nhiều điều quan trọng hơn với một dụng cụ tương tự, tức kính thiên văn. Vì vậy, trước tiên, tôi sẽ trình bày sơ lược hình dạng, cấu tạo cũng như hoàn cảnh ra đời của kính thiên văn. Tiếp theo đó tôi sẽ lần lượt trình bày các quan sát mà tôi đã thực hiện trong thời gian qua.

(Còn tiếp...)

  1. Ngôi sao cố định: là các thiên thể không chuyển động trên bầu trời, các hành tinh là những thiên thể di chuyển được
  2. Trong nguyên Sidereus Nuncius bản bằng tiếng Latin Galileo đã nhầm khi dùng chữ diametros (đường kính) thay cho chữ semi-diametros (bán kính)
  3. Bán kính trái đất là 6400 km và khoảng cách Trái đất-Mặt trăng là 384 nghìn km
  4. Vào thời điểm này các vệ tinh quay quanh một hành tinh vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng nên Galileo đã dùng chữ hành tinh thay cho vệ tinh.