Chỉ có tình yêu đối với khoa học và khát khao làm chủ tri thức mới đem lại thành công lâu dài. Đây là chia sẻ của TS Phạm Ngọc Điệp - Nghiên cứu viên Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam).

Với 10 năm tuổi nghề, TS. Phạm Ngọc Điệp đã là tác giả của hơn 40 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới và nhiều bài báo trên các tạp chí trong nước. Nhiều công trình, dự án nghiên cứu mà anh là tác giả và đồng tác giả đã gây được tiếng vang lớn đối với cộng đồng nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.

Lý do gì khiến anh theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học cơ bản đặc biệt là ngành vật lý thiên văn?

- Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở Thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Ngay từ nhỏ tôi đã luôn được cha mẹ, thầy cô động viên, dìu dắt trong việc học tập. Cũng bởi thế mà trong những năm học tiểu học, trung học cơ sở, rồi trung học phổ thông tôi luôn là học sinh giỏi của trường, của tỉnh. Ngay từ khi bắt đầu được học môn vật lý, tôi đã rất yêu thích môn học này, và với giải 3 kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý năm lớp 12 (1999) tôi được đặc cách xét tuyển vào lớp Cử nhân tài năng của Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) từ đó tôi tiếp tục học và làm vật lý cho đến nay.

Năm 2003, khi đang học năm cuối tại Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, trong một lớp học về vật lý thiên văn, tôi may mắn được gặp và nói chuyện với Giáo sư Pierre Darriulat – Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Pháp, nguyên Giám đốc khoa học của Trung tâm Hạt nhân Châu Âu, người sáng lập Phòng Thí nghiệm và Đào tạo Vật lý Tia vũ trụ. Sau buổi gặp mặt tôi đã lên Phòng thí nghiệm và Đào tạo Vật lý Tia vũ trụ, gọi tắt là phòng VATLY, làm luận văn tốt nghiệp và sau khi tốt nghiệp tôi được mời làm việc tại Phòng thí nghiệm.

Vật lý Thiên văn - vatlythienvan.com
TS Phạm Ngọc Điệp luôn dành nhiều tâm huyết cho ngành vật lý thiên văn.

Có phải chính phòng thí nghiệm này đã làm bệ đỡ cho anh gặt được những thành công sau đó?

- Phòng thí nghiệm VATLY được thành lập ở Việt Nam do một nhóm nghiên cứu khoa học cơ bản có trình độ tương đương với các nhóm nghiên cứu ở các nước phát triển. Chúng tôi thực hiện công tác đào tạo thông qua công việc nghiên cứu, đào tạo từ bậc đại học cho đến sau tiến sĩ. Từ khi thành lập phòng thí nghiệm chúng tôi luôn thực hiện nghiên cứu theo hai hướng: Hợp tác với các thí nghiệm lớn nơi có thiết bị hiện đại và đắt tiền ở nước ngoài; xây dựng và thực hiện những thí nghiệm ngay tại Hà Nội với mục đích chính là đào tạo.

Về kết quả nghiên cứu, hợp tác với Đài thiên văn Pierre Auger (Thí nghiệm lớn nhất trên thế giới nghiên cứu về tia vũ trụ, bao phủ hơn 3.000 km2 trên cao nguyên Argentina), chúng tôi là đồng tác giả của nhiều bài báo quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu tia vũ trụ năng lượng siêu cao, đặc biệt, bài báo về phát hiện mối quan hệ giữa nguồn phát của các tia vũ trụ này và các tâm thiên hà hoạt động, đăng trên tạp chí Science và được bình chọn là một trong mười sự kiện vật lý của Hội vật lý Mỹ năm 2007.

Với hệ thiết bị trong nước, một vài kết quả nổi bật, chúng tôi đã xây dựng hệ viễn kính nghiên cứu đặc điểm thông lượng tia vũ trụ tại Hà Nội, nơi có độ cứng địa từ cao nhất trên thế giới. Chúng tôi đã xây dựng một hệ đo giống như tại Đài thiên văn Pierre Auger đặt trên nóc phòng thí nghiệm. Nhiều thí nghiệm đo, nghiên cứu về tính chất của hệ ghi đo này đã được thực hiện. Chúng tôi đã đào tạo được 5 nghiên cứu sinh, 9 lượt thạc sĩ và 12 lượt sinh viên tốt nghiệp đại học.

Trong suốt 10 năm theo đuổi Vật lý thiên văn, dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Pierre, tôi cùng các đồng nghiệp vượt lên khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu để tiến hành nhiều nghiên cứu mới, tôi là tác giả và đồng tác giả của hơn 40 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế và nhiều bài đăng trong các tạp chí trong nước, trên kỷ yếu của các hội nghị quốc tế và trong nước.

Để đạt được những thành tích trong nghiên cứu khoa học phải vượt qua nhiều khó khăn, anh có lời khuyên gì cho lớp nghiên cứu trẻ đam mê khoa học?

- Làm những ngành khoa học cơ bản đặc biệt đối với ngành vật lý thiên văn, gặp nhiều khó khăn, vì ở Việt Nam đào tạo trong lĩnh vực này hầu như chưa có nên khi bước vào ngành này mình phải tự đào tạo, bên cạnh đó là rào cản ngôn ngữ mà các bạn trẻ cần vượt qua. Do đó, bạn nào có đam mê với nghiên cứu khoa học phải biết tự học cả về kiến thức vật lý và kỹ năng tiếng Anh.

Nghiên cứu khoa học không đơn giản là ngồi viết ra những suy nghĩ của bản thân, không đơn giản là chép lại những tài liệu mà chúng ta tìm được, mà nghiên cứu khoa học là sự tìm tòi, trăn trở và tốn nhiều công sức cho quá trình thực hiện. Tuy nhiên, theo tôi khó khăn nào rồi cũng có thể vượt qua, dẫu vậy, Nhà nước cần phải có thông điệp và chính sách rõ ràng cho khoa học cơ bản, như vậy có thể làm cho các nhà khoa học yên tâm công tác và có thể lôi kéo được sinh viên giỏi vào làm việc cho ngành.

Vật lý Thiên văn - vatlythienvan.com
TS Phạm Ngọc Điệp chia sẻ về sử dụng kính thiên văn.

Có khi nào anh muốn từ bỏ khoa học cơ bản để làm những việc có thu nhập cao hơn?

- Tôi nghĩ rằng, không phải chỉ riêng tôi mà nhiều người làm khoa học khác ở Việt Nam cũng tự đặt ra những câu hỏi như thế. Đôi khi nhìn bạn bè xung quanh làm những nghề đơn giản hơn nhiều mà vẫn kiếm được nhiều tiền hơn. Trong quá khứ nhiều lúc cũng muốn chuyển ngang sang lĩnh vực khác. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học đem lại nhiều niềm vui, lý thú, cộng với niềm đam mê nghiên cứu, niềm yêu thích được khám phá những chân trời mới khiến mình có đam mê và tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.

Được gặp gỡ GS. Pierre là cơ hội để tôi đến với vật lý thiên văn, và tôi sẵn sàng mang cơ hội đó đến với tất cả những bạn trẻ nào yêu thích nó. Hiện nay, tôi đang tích cực tham gia giảng dạy tại các trường đại học, các lớp học mùa hè tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM; hướng dẫn và đồng hướng dẫn nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học và cao học với GS. Pierre là cách để truyền lửa đam mê.

Tôi cùng các cộng sự nỗ lực đóng góp vào công tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực vật lý thiên văn; tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực tập sinh viên tại Đại học Pháp Việt. Ngoài ra chúng tôi cũng thiết kế ghi đo nhằm sẵn sàng phục vụ cho việc đào tạo nhân lực tại Viện Khoa học Kỹ thuật hạt nhân và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Theo anh, điều gì là cần thiết nhất trong nghiên cứu khoa học?

- Đam mê có vai trò rất quan trọng, là điều kiện cần nhất để dẫn đến thành công. Đối với bạn trẻ, từ đam mê sẽ có mọi thứ. Đam mê biết cách học, biết cách làm việc để có hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, theo tôi ngoài đam mê thì nghiên cứu khoa học cần nhất sự trung thực. Có trung thực ta mới biết mình đang ở đâu, làm được những gì và chưa làm được những gì để tiến bước. Và tôi cũng rất thành thực chia sẻ rằng, những thành công vừa qua không chỉ của riêng tôi mà là công sức của cả nhóm, của tập thể Phòng Nghiên cứu và đào tạo tia vũ trụ.

Trong thời gian tới, tôi cùng các cộng sự mong muốn nhận được sự động viên từ phía xã hội, đơn vị quản lý có chính sách để hỗ trợ tốt hơn cho những người làm khoa học để có thể lôi kéo thêm nhiều người giỏi vào làm nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Nguồn: Lao Động