Ngày 22/04/1056, ngôi "sao khách" nổi tiếng xuất hiện cạnh sao zeta Tauri đã mờ đến mức không thể quan sát bằng mắt thường [1]. Đây là một trong những supernova nổi tiếng nhất được ghi chép lại trong lịch sử nhân loại. Xuất hiện từ khoảng tháng 7 (hoặc tháng 8 năm 1054), ngôi sao này đã tỏa sáng trên bầu trời trong gần 2 năm.

Ảnh: Vị trí supernova năm ngày 04/7/1054 tại Trung Quốc.

"Sự kiện siêu sao mới nổ năm 1054 quan sát ở Trung Quốc đã được ghi trong ít nhất 5 tài liệu lịch sử. Trong cuốn "Trung Quốc Cổ Tịch Tống Hội Yếu" đã ghi rằng ngày 21 tháng 7 năm thứ nhất Chí Hòa (tháng 8 năm 1054 dương lịch), người phụ trách tính toán lịch tên là Dương Huy Đức nhìn thấy một "Sao khách" xuất hiện trên bầu trời, óng ánh sắc màu vàng (màu vàng là màu của Hoàng Đế). Ông ta viết: "Tôi đoán là Sao khách không xâm phạm đến Sao Tất (sao Anđêbaran sáng nhất trong chòm Kim Ngưu, Taurus). Đây là một điềm tốt cho Hoàng Đế và báo là cả ngước sẽ thịnh vượng, tôi xin ghi lời đoán của tôi vào sách sử". Tháng 3 năm ths nhất Gia Hữu (năm 1056 dương lịch), một nhà thiên văn báo là Sao khách đã biến đi. Ông ta ghi rằng sao xuất hiện lần đầu vào một buổi sáng tháng 5 năm thứ nhất Chí Hòa bên cạnh sao Thiên Quan (sao dêta Tauri trong chòm Kim Ngưu). Sao nhìn thấy trong 23 ngày liền giữa ban ngày, óng ánh màu trắng đỏ, sáng bằng Thái Bạch (hành tinh Kim).

Siêu sao mới năm 1054 cũng được quan sát tại Kinh Đô (Kyoto) Nhật Bản. Trong sử Minh Nguyệt Kí của Nhật Bản có chép : một sao khách được quan sát thấy trong chòm sao Kim Ngưu (gần sao Thiên Quan) ở chân trời phía Đông bắt đầu từ trung tuần tháng 4, giờ Sửu, năm thứ hai thời Thiên Hỉ (20 đến 29 tháng 5 dương lịch năm 1054), tức là sớm hơn Trung Quốc, lúc cường độ siêu sao mới chưa tối đa. Các nhà khảo cổ cho rằng, sự kiện siêu sao mới năm 1054 cũng đã được người da đỏ bên Mĩ ngày xưa khắc vào đá ở vùng Aridôna (Arizona)" [2]

(Lưu ý rằng thời gian trong đoạn trích trên được tính theo âm lịch)


Ảnh: Tinh vân Con Cua (ảnh tổng hợp từ kết quả quan sát của các kính thiên văn không gian Hubble, Chandra, Spitzer)

Ngày nay, chúng ta đều biết rằng sao khách năm 1054 chính là một vụ nổ supernova mà tàn tích của nó là tinh vân Con Cua (Crab Nebula, M1). Vụ nổ xảy ra cách Trái Đất 6500 năm ánh sáng. Khí quyển của sao bay ra ngoài không trung như những sợi tơ với vận tốc 1500 km/s, phần lõi của ngôi sao là một pulsar (NP 0532) quay 30 vòng/s, đường kính khoảng 10 km.[2]

Tài liệu tham khảo:
[1] European Space Agency, 2000 - 2007. Today in space history – 22 April, http://www.esa.int/esaSC/SEMP6K67ESD_index_0.html
[2]Nguyễn Quang Riệu, Vũ Trụ phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại, NXB Giáo Dục, 1995

Hero_Zeratul
Box Thiên văn học - ttvnol.com