Ngày 9 tháng 11 vừa qua là sinh nhật của nhà khoa học vĩ đại Carl Sagan. Ông sinh năm 1934 tại New York, Hoa Kỳ và mất năm 1996. 

Ảnh 1. Nhà khoa học Carl Sagan (1934 - 1996)

Carl Sagan không chỉ là một nhà văn và nhà khoa học xuất sắc, mà ông còn là một nhà thiên văn học và nhà vật lý hàng đầu. Ông đã viết nhiều sách khoa học phổ biến, như Cosmos (tựa Tiếng Việt là “Vũ trụ”), Pale Blue Dot và Demon-Haunted World, những cuốn sách đã giúp truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên toàn thế giới quan tâm đến khoa học và vũ trụ. Nối tiếp sự thành công của các tựa sách trên, Carl Sagan cũng được mời đóng vai trò là người dẫn trong chương trình của loạt phim truyền hình nổi tiếng Cosmos: A Personal Voyage, một tác phẩm kinh điển về khám phá vũ trụ.

Về sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ông lúc còn sống, Sagan đã có những nghiên cứu và đóng góp liên quan đến khí quyển của các hành tinh, hiệu ứng nhà kính trên Sao Kim, khả năng tồn tại của sự sống ngoài hành tinh, và cách gửi thông điệp cho các nền văn minh khác ngoài Trái Đất. Tiêu biểu như trong các sứ mệnh Mariner, Viking, Voyager và Galileo (các nhiệm vụ không gian của NASA), ông đã tham gia giúp thiết kế các bảng tên và đĩa vàng chứa thông tin về Trái Đất và con người.

Tuy Sagan thực hiện nhiều nghiên cứu quan trọng về bầu khí quyển hành tinh, sinh vật học vũ trụ và nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất, song danh tiếng của ông lại thường được biết đến với tư cách là phát ngôn viên khoa học và nhà thiên văn học. Trong những năm 1970 và 1980, ông có lẽ là nhà khoa học nổi tiếng nhất ở Hoa Kỳ vì những nỗ lực nhằm nâng hiểu biết của công chúng về khoa học.

Năm 1973, cùng với Jerome Agel, ông xuất bản tựa sách The Cosmic Connection: An Extraterrestrial Perspective (Tạm dịch: Liên lạc ngoài vũ trụ: Một viễn cảnh ngoài Trái Đất), cuốn sách đã giúp ông nổi lên như một nhà văn viết về chủ đề khoa học nổi tiếng. Tuy nhiên, ông bị vướng phải tranh cãi với nhà văn người Mỹ Immanuel Velikovsky về các lý thuyết của Velikovsky liên quan đến lịch sử Hệ Mặt Trời không lâu sau đó. 

Năm 1980, Sagan đồng sáng lập Planetary Society, một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế chuyên về khám phá không gian. Cùng năm đó, ông đạt đến đỉnh cao của sự nổi tiếng khi công khai loạt phim truyền hình Cosmos do ông viết cùng với vợ là bà Ann Druyan. Cuốn sách đi kèm cùng tên này đã trở thành một tác phẩm bán chạy nhất tại thời điểm đó. Tiếp nối với sự thành công của Cosmos, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Liên lạc (1985) cũng được chọn để chuyển thể thành phim và nhanh chóng gặt hái được  thành công vào năm 1997, và Pale Blue Dot: A Vision of the Human Future in Space (Tạm dịch: Điểm xanh nhạt: Một tầm nhìn về tương lai của con người trong không gian) (1994).

Ảnh 2. Tựa sách “Vũ trụ” nổi tiếng  của Carl Sagan

Những công trình của Carl Sagan đã giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta chỉ là một phần nhỏ trong một bức tranh lớn hơn, và rằng chúng ta có trách nhiệm bảo vệ hành tinh xanh nhỏ bé của chúng ta. Ông cũng là một trong những người có sức ảnh hưởng trong việc truyền cảm hứng cho nhiều người theo đuổi sự nghiệp khoa học và khám phá.

Tham khảo

  1. Kragh, H. 2023, Encyclopedia Britannica, https://www.britannica.com/biography/Carl-Sagan
  2. Carl Sagan (1934-1996) - NASA Science., https://science.nasa.gov/people/carl-sagan/