Cassini sinh ra tại Perinaldo, thuộc nhà nước Cộng hòa Genoa cũ, nay thuộc Italia. Thời thanh niên, Cassini quan tâm nhiều đến Chiêm tinh học hơn là Thiên văn học. Năm 1644, hầu tước Comelio Malvasia, một người rất quan tâm đến chiêm tinh học đã mời Cassini đến Bologna làm giám đốc đài thiên văn Panzano. Ông là giám đốc đài thiên văn Panzano từ năm 1648 đến năm 1669, đồng thời là giáo sư thiên văn tại đại học Bologna. Phần lớn thời gian ở Bologna, Cassini cùng hầu tước Malvasia đã tính toán ra các cuốn lịch thiên văn rất chính xác (sử dụng cho mục đích chiêm tinh). Quá trình tìm hiểu sâu về chiêm tinh học đã khiến Cassini quan tâm đến Thiên văn học. Ông đã nghiên cứu thiên văn bằng tất cả những kiến thức, những phương pháp hiện đại nhất của thời bấy giờ – thời kỳ Phục Hưng. Cassini được đánh giá là một trong những nhà thiên văn vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.

Ảnh: Giovanni Domenico Cassini (08/06/1625 – 14/09/1712) [1].

Năm 1669, Cassini nhận lời mời của vua Louis XIV đến Pháp. Ông trở thành vị giám đốc đầu tiên của đài thiên văn Paris (được hoàn thành vào năm 1671). Năm 1673, Cassini gia nhập quốc tịch Pháp và đổi tên thành Jeans Dominique Cassini. Cassini đã đảm nhiệm chức vụ giám đốc đài thiên văn Paris cho đến khi ông qua đời. Năm 1665, độc lập với Robert Hook, Cassini đã phát hiện ra vết đỏ lớn trên Sao Mộc. Trong các năm 1671, 1672 và 1684, ông đã phát hiện ra 4 vệ tinh của Sao Thổ: Iapetus, Rhea, Tethys và Dione. Năm 1675, ông phát hiện khoảng trống giữa 2 vành đai A và B của Sao Thổ. Năm 1690, ông phát hiện ra chuyển động vi sai của Sao Mộc. [2]

Năm 1672, ông cử nhà thiên văn Jean Richer đến Cayenne, Guiana. Cassini cùng Richer đã tiến hành quan sát để đo đạc thị sai và tính toán khoảng cách từ Trái Đất đến Sao Hỏa. Đây cũng là những hoạt động có hệ thống đầu tiên nhằm xác định kích thước của hệ Mặt Trời. [2]

Cassini là người đầu tiên đo được chiều dài của kinh tuyến bằng cách sử dụng một phương pháp đã được Galileo đề ra trước đó: sử dụng sự che lấp của các vệ tinh của Sao Mộc để tính thời gian.[2]

Cassini còn là một kỹ sư, một nhà địa lý tài giỏi. Ông đã tính toán rất chính xác diện tích của lãnh thổ nước Pháp. Từ những năm 1670, Cassini bắt đầu triển khai một dự án vẽ bản đồ nước Pháp. Dự án này sau đó được con ông là Jaques Cassini kế tục và được cháu ông là Cassini de Thury kết thúc vào năm 1789. Đây là bản đồ chi tiết đầu tiên của Pháp và được đặt tên là bản đồ Cassini (Carte de Cassini.) [2] Giáo hoàng Clement IX cũng đã giao cho Cassini các công việc liên quan đến xây dựng các hệ thống phòng thủ quân sự, quản lý thủy lợi và hiện tượng lũ lụt của sông Po [2].

Tên của ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng, một crater trên Sao Hỏa, khoảng trống phân cách vành đai A và B của Sao Thổ, một tiểu hành tinh (asteroid 24101 Cassini), một định luật về chuyển động của Mặt Trăng, một vùng tối trên bề mặt vệ tinh Iapetus của Sao Thổ [2]

Ngày 15/7/1997, tàu thăm dò Cassini đã được phóng lên không gian. Đây là dự án của 3 cơ quan hàng không NASA/ESA/ASI. Ngày 01/07/2004, tàu thăm dò Cassini bắt đầu chuyển động xung quanh Sao Thổ. Ngày 14/01/2005, thiết bị thăm dò khí quyển Huygens được phóng xuống Titan, vệ tinh lớn nhất của Sao Thổ. Tàu thăm dò Cassini vẫn đang tiếp tục hoạt động, khám phá Sao Thổ cùng hệ thống vệ tinh.

Ảnh: tàu thăm dò Cassini lên đường thám hiểm Sao Thổ

Tài liệu tham khảo:
[1] European Space Agency, 2000 - 2007. Today in space history – 08 June, http://www.esa.int/esaSC/SEMJHP2VQUD_index_0.html
[2]Wikipedia, 05/2007. Giovanni Domenico Cassini, http://en.wikipedia.org/wiki/Giovanni_Domenico_Cassini

Hero_Zeratul
Box Thiên văn học - ttvnol.com