Ngày 16/06: Ngày mất tiến sĩ Wernher Magnus Maximilian, nam tước von Braun (23/03/1912 – 16/06/1977), chuyên gia hàng đầu về tên lửa, người đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển các tên lửa V-2 cho Đức Quốc Xã (thế chiến II), phát triển các tên lửa đẩy trong các chương trình không gian của Hoa Kỳ (cuộc chạy đua lên không gian).

Ảnh: Wernher Magnus Maximilian, nam tước von Braun (23/03/1912 – 16/06/1977)

Ngay từ khi còn bé, von Braun đã có những ý tưởng về du hành không gian và đã tiến hành nhiều thí nghiệm liên quan đến tên lửa, phản lực. Trong thế chiến II, Braun đã tập trung hết trí tuệ, tài năng để phát triển tên lửa V-2 cho Đức Quốc Xã. Wernher von Braun là một trong những người đứng đầu bản «danh sách đen» (black list) những nhà khoa học Đức cần phải truy tìm của Hoa Kỳ. Mùa xuân năm 1945, von Braun và toàn bộ nhóm phát triển tên lửa đã đầu hàng và được chấp nhận định cư tại Hoa Kỳ (theo kế hoạch Paperclip nhằm thu phục các nhà khoa học Đức Quốc Xã).

Từ tháng 6 năm 1945 đến năm 1957, von Braun làm việc cho quân đội Hoa Kỳ với nhiệm vụ chủ yếu là phát triển các loại tên lửa đạn đạo. Trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, nhóm phát triển của Braun đã cải tiến tên lửa Redstone với thiết kế ban đầu giành cho việc phóng đầu đạn hạt nhân thành thế hệ tên lửa Jupiter-C dùng vào mục đích phóng vệ tinh không gian. Ngày 31/01/1958, tên lửa Jupiter-C đã chính thức đưa vệ tinh Explorer-1 lên quỹ đạo, đánh dấu sự ra đời của các chương trình không gian của Hoa Kỳ.

Ảnh: Von Braun trên bìa tạp chí Time, phát hành ngày 17/02/1958

Tuy nhiên, trong 12 năm từ 1945 đến 1957, Hoa Kỳ vẫn chưa chú trọng vào việc chinh phục không gian. Các ý tưởng của von Braun về các chương trình không gian không giành được nhiều sự quan tâm. Trong gian đoạn này, von Braun đã liên tục viết các bài báo về một viễn cảnh, khi mà các tên lửa đẩy trở thành phương tiện chính di chuyển trong vũ trụ, con người làm việc dài ngày trên các trạm không gian, các tàu vũ trụ có người lái chinh phục Sao Hỏa, ... Ông là cố vấn kỹ thuật của hãng Walt Disney, sản xuất các bộ phim hoạt hình với đề tài chinh phục vũ trụ.

Sự kiện Liên Xô phóng thành công vệ tinh Sputnik 1 đã khiến người Mỹ nhận ra rằng họ đã bị bỏ rất xa trong cuộc chạy đua lên không gian. Ngày 29/07/1958, NASA được thành lập, các dự án hàng không vũ trụ được khởi động. Năm 1960, trung tâm không gian Marshall được thành lập và von Braun trở thành giám đốc đầu tiên của trung tâm. Dự án quan trọng đầu tiên của trung tâm Marshall là phát triển các tên lửa đẩy Saturn có khả năng đưa các khối lượng lớn ra ngoài không gian. Von Braun đã có cơ hội tiếp tục thực hiện ước mơ của mình, các tên lửa Saturn đã đưa con người đến Mặt Trăng, vệ tinh của Trái Đất. Với những thành công của chương trình Apollo, von Braun đã đề xuất những ý tưởng về việc cải tiến tên lửa Saturn dùng cho việc phóng các con tàu vũ trụ có người lái chinh phục Sao Hỏa (dự kiến sẽ thực hiện trong những năm 1980), tuy nhiên, ý tưởng này đã không trở thành hiện thực.


Ảnh: Von Braun cùng các mô hình tên lửa của ông tại tổng hành dinh của NASA (1970)

Trong giai đoạn những năm 1960, von Braun đã đóng một vai trò quan trọng hàng đầu trong các chương trình không gian của Hoa Kỳ. Ngày 1 tháng 3 năm 1970, von Braun được bổ nhiệm làm quyền phó giám đốc điều hành việc lập kế hoạch tại tổng hành dinh của NASA, Washington D.C. Tuy nhiên, sau đó đã xảy ra liên tiếp các mâu thuẫn giữa von Braun với những thành viên khác của NASA liên quan đến việc cắt giảm chương trình Apollo. Von Braun đã rời khỏi NASA vào ngày 26/05/1972.

Rời khỏi NASA, von Braun đã trở thành phó chủ tịch của tập đoàn công nghiệp Fairchild (hoạt động trong lĩnh vực chế tạo máy bay). Năm 1973, ông phát hiện ra mình bị ung thư thận. Tuy nhiên, von Braun vẫn lạc quan và giành thời gian cho việc phổ biến, quảng bá ước mơ chinh phục không gian, nhất là với sinh viên và các thế hệ kỹ sư trẻ tuổi trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Ông qua đời vào ngày 16/06/1977 tại bang Virginia. Tên ông được dùng để đặt cho một crater trên Mặt Trăng.

Lược dịch từ Wikipedia:
http://en.wikipedia.org/wiki/Wernher_von_Braun

Hero_Zeratul
Box Thiên văn học - ttvnol.com