Voyager 2 là một trong 2 tàu vũ trụ không người lái trong chương trình Voyager. Theo thiết kế chính thức, các tàu Voyager chỉ tâp trung vào việc khảo sát Sao Mộc và Sao Thổ. Tuy nhiên, 2 tàu thám hiểm này đã tiếp tục bay qua Sao Thiên Vương, Sao Hải Vương và tiếp tục bay ra khỏi Hệ Mặt Trời. Các Voyager có khối lượng 733 kg, được trang bị rất nhiều thiết bị khoa học, hoạt động bằng năng lượng hạt nhân (Plutonium-238). Trên mỗi Voyager còn mang theo một đĩa dữ liệu ghi các hình ảnh và âm thanh của cuộc sống trên Trái Đất.[2]


Ảnh: Voyager 2 được phóng lên không gian [1]

Ngày 09/07/1979, Voyager 2 đã tiếp cận Sao Mộc ở khoảng cách 570 nghìn km. Voyager 2 tiến hành nhiều khảo sát đối với Sao Mộc và các vệ tinh của nó. Voyager 2 đã phát hiện một số vành đai của Sao Mộc và 2 vệ tinh mới: Adrastea và Metis. Đây cũng là lần đầu tiên con người phát hiện được hoạt động núi lửa trên một thiên thể khác ngoài Trái Đất: vệ tinh Io. [2]

Ngày 25/08/1981, Voyager 2 đã tiếp cận Sao Thổ. Voyager 2 đã tiến hành các khảo sát đo nhiệt độ Sao Thổ tại các mức áp suất khác nhau. Tuy nhiên, trong thời gian này, camera đã bị gặp trục trặc, do đó, các kết quả khảo sát Sao Thổ của Voyager 2 tương đối ít. Sự cố này sau đó đã được khắc phục trong thời gian Voyager 2 bay từ Sao Thổ đến Sao Thiên Vương[2]

Ngày 24/01/1986, Voyager 2 đã tiếp cận Sao Thiên Vương. Tàu thăm dò này đã phát hiện được 10 vệ tinh mới, khảo sát bầu khí quyển và hệ thống vành đai của Sao Thiên Vương [2].

Ngày 25/08/1989, Voyager 2 tiếp cận Sao Hải Vương. Tàu thăm dò đã phát hiện “Vết đen lớn” (Great Dark Spot) trên bề mặt của hành tinh thứ 8 này. Voyager 2 còn tiến hành nhiều quan sát rất chi tiết đối với vệ tinh Triton của Sao Hải Vương [2]

Ngày 05/09/2006, Voyager 2 đã đạt đến khoảng cách 80.5 AU tính từ Mặt Trời, thuộc vùng không gian có tên là Scattered Disc. Voyager 2 đã cách xa Mặt Trời gấp đôi Sao Diêm Vương, nhưng vẫn chưa vượt ra ngoài quỹ đạo của hành tinh lùn Eris. Trong thời gian tiếp theo, trung bình mỗi năm Voyager 2 sẽ đi được thêm 3.3 AU. Dự kiến Voyager 2 còn tiếp tục giữ liên lạc với Trái Đất cho đến năm 2020 [2]

Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 - 2007. August 20 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/8/8_20.htm
[2]Wikipedia, 08/2007. Voyager 2, http://en.wikipedia.org/wiki/Voyager_2

Hero_Zeratul
Box Thiên văn học - ttvnol.com