Nicolaus Copernicus (19 tháng 2, 1473 – 24 tháng 5, 1543) là một nhà thiên văn học đã nêu ra hình thức hiện đại đầu tiên của thuyết nhật tâm (Mặt Trời ở trung tâm) trong cuốn sách mang tính mở đầu một kỷ nguyên của ông, cuốn Về sự chuyển động quay của các thiên thể (De revolutionibus orbium coelestium).

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!

Nicolaus Copernicus

Copernicus sinh năm 1473 tại thành phố Toruń, ở Hoàng gia Phổ, một tỉnh tự trị của Vương quốc Ba Lan (1385–1569). Ông học tập ở Ba Lan và Ý, và dành phần lớn cuộc đời làm việc ở Frombork, Hoàng gia Phổ, nơi ông mất năm 1543.

Copernicus là một trong những học giả có hiểu biết về nhiều phương diện ở thời mình. Ông là một nhà toán học, thiên văn học, luật gia, nhà tâm lý học, học giả kinh điển, nhà cai trị, viên chức hành chính, nhà ngoại giao, nhà kinh tế, và người lính.

Trong số những khả năng của mình, ông đã lựa chọn thiên văn học làm nghề nghiệp chính, sự phát triển thuyết nhật tâm (mặt trời ở trung tâm chứ không phải Trái Đất là trung tâm) của ông được coi là giả thuyết khoa học quan trọng nhất trong lịch sử. Nó đã đánh dấu bước chuyển sang thiên văn học hiện đại và từ đó là khoa học hiện đại, khuyến khích các nhà thiên văn trẻ, các nhà khoa học và các học giả có thái độ hoài nghi với những giáo điều đã tồn tại từ trước.

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!

Lý thuyết chính của Copernicus được xuất bản trong cuốn, De revolutionibus orbium coelestium (Về chuyển động quay của các thiên thể) vào năm ông mất, 1543, mặc dù ông đã tiến gần tới lý thuyết này từ nhiều thập kỷ trước.

Cuốn sách này đánh dấu sự chấm dứt của thuyết địa tâm (và thuyết nhật tâm) coi Trái Đất ở trung tâm vũ trụ. Copernicus cho rằng Trái Đất là một hành tinh quay xung quanh Mặt Trời một vòng trên một năm, và quay quanh trục một vòng trên một ngày. Ông đã khám phá được vị trí chính xác của những hành tinh đã được biết và giải thích sự tiến động của những điểm phân một cách chính xác bởi sự thay đổi vị trí một cách chậm chạp của trục quay của Trái Đất. Ông cũng đưa ra giải thích rõ ràng về nguyên nhân gây ra các mùa: rằng trục của Trái Đất không vuông góc với hành tinh trên quỹ đạo của nó. Ông cộng thêm vào sự chuyển động của Trái Đất, theo đó trục của nó được giữ hướng về đúng một điểm trên bầu trời trong suốt cả năm; từ thời Galileo Galilei, đã có thừa nhận rằng Trái Đất "không" giữ nguyên một hướng khi nó chuyển động.

Copernicus cũng thay thế những vòng cân bằng của Ptolemy bằng nhiều ngoại luân. Đây là nguồn chính cho rằng hệ của Copernicus thậm chí còn có nhiều ngoại luân hơn hệ của Ptolemy. Với sự thay đổi này, hệ của Copernicus chỉ có một kiểu chuyển động tròn duy nhất, sửa chữa lại những điều mà ông cho là không chính xác trong hệ của Ptolemy. Nhưng khi Copernicus đặt Mặt Trời vào vị trí trung tâm của mặt cầu của trời, ông không cho nó là trung tâm của vũ trụ mà chỉ ở gần nó.

Về mặt thực nghiệm, hệ của Copernicus không tốt hơn kiểu của Ptolemy. Copernicus nhận thức được điều này và không thể đưa ra "bằng chứng" quan sát trong cuốn sách của mình, thay vào đó ông lại dựa vào những tranh luận về một hệ chính xác và đúng đắn hơn. Từ khi cuốn sách được xuất bản tới khoảng năm 1700, rất ít nhà thiên văn tin vào hệ của Copernicus, mặc dù cuốn sách đó được truyền bá khá rộng (khoảng 500 bản sách được cho là vẫn còn tồn tại, đó là một con số lớn so với tiêu chuẩn khoa học của thời đó). Tuy nhiên, nhiều nhà thiên văn học, đã chấp nhận một số khía cạnh của lý thuyết so với những thuyết khác, và hệ của ông đã có ảnh hưởng lớn đối với những nhà khoa học về sau này như Galileo và Johannes Kepler, những người đã chấp nhận, và đấu tranh cho nó và (đặc biệt là trường hợp của Kepler) tìm cách cải thiện nó. Những quan sát của Galileo về các tuần của Sao Kim đã cho thấy bằng chứng quan sát thực nghiệm đầu tiên cho lý thuyết của Copernicus.

Hệ của Copernicus có thể được nói gọn trong bảy đề xuất, như chính Copernicus đã tập hợp trong một Compendium của cuốn De revolutionibus orbium coelestium được tìm thấy và xuất bản năm 1878.

Bảy phần của lý thuyết Copernicus là:

  1. Không có một trung tâm của vũ trụ
  2. Trung tâm của Trái Đất không phải là trung tâm vũ trụ
  3. Trung tâm của vũ trụ gần Mặt Trời
  4. Khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời là không thể nhận thấy nếu so sánh với khoảng cách tới các ngôi sao
  5. Chuyển động quay của Trái Đất giải thích cho chuyển động thấy hàng ngày của các ngôi sao
  6. Những chuyển động quan sát thấy hàng năm của Mặt Trời được gây ra khi Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời
  7. Chuyển động thụt lùi của các hành tinh được gây ra bởi chuyển động của Trái Đất, mà người quan sát đứng trên nó

Dù những ý kiến này có phải là "cách mạng" hay "bảo thủ" chúng là chủ đề tranh luận cho tới cuối thế kỷ 20. Thomas Kuhn đã cho rằng Copernicus đưa "một số tính chất thiên văn học vốn trước đó được cho là của Trái Đất sang cho Mặt Trời." Một số nhà sử học khác từ đó cho rằng Kuhn đã đánh giá thấp cái gọi là "cách mạng" của công trình của Copernicus, và nhấn mạnh khó khăn mà Copernicus có thể gặp phải khi đưa lý thuyết thiên văn học của mình ra mà chỉ đơn giản dựa vào hình học, mà không có bằng chứng thực nghiệm.

 

Nguồn: Wikipedia