Chòm sao Thiên Cầm (Lyra, The Lyre, Đàn Lia)

Thiên Cầm là một chòm sao nằm ở thiên cầu Bắc, tên của nó bắt nguồn từ cây đàn lia, một nhạc cụ nổi tiếng thuộc bộ dây, được sử dụng phổ biến thời Hy Lạp cổ đại và các thời kỳ sau đó. Chòm sao này gắn với thần thoại về một nhạc sĩ và thi sĩ Hy Lạp nổi tiếng, Orpheus. Chòm sao này lần đầu tiên được ghi chép lại bởi nhà thiên văn học người Hy Lạp, Ptolemy vào thế kỉ thứ 2.

Chòm sao Thiên Cầm (Lyra) trên nền trời cùng với các ngôi sao nổi bật như: sao Chức Nữ (Vega, Alpha Lyrae), Sulafat (Gamma Lyrae), Sheliak (Beta Lyrae) và tinh vân Chiếc nhẫn (Ring Nebula) (credit: Go Astronomy)

Chòm sao Thiên Cầm chứa một ngôi sao rất nổi tiếng, đó chính là sao Chức Nữ, ngôi sao sáng thứ 5 trên bầu trời và thứ 2 ở thiên cầu Bắc. Nó cùng với hai ngôi sao khác là sao Thiên Tân (Deneb, thuộc chòm Thiên Nga) và sao Ngưu Lang (Altair, thuộc chòm Thiên Ưng, Aquila) tạo nên một nhóm sao rất nổi bật, Tam Giác Mùa Hè (Summer Triangle).

Ngoài ra, một vài vật thể sâu như cụm sao cầu M56, tinh vân “Chiếc nhẫn” (M57, Ring Nebula), cụm sao mở NGC 6791 hay cụm 3 thiên hà đang sáp nhập NGC 6745 và đặc biệt là một ngôi sao biến quang rất nổi tiếng RR Lyrae.

Một vài fact và vị trí

Thiên Cầm là một chòm sao nhỏ, có kích thước lớn thứ 52 trên bầu trời đêm, chiếm khoảng 286 độ vuông diện tích và nằm ở góc phần tư thứ tư của thiên cầu Bắc. Nó có thể quan sát được từ vĩ độ +90 đến -45. Các chòm sao lân cận bao gồm: Thiên Nga (Cygnus), Thiên Long (Draco), Vũ Tiên (Hercules) và Hồ Ly (Vulpecula).

Bản đồ sao của chòm Thiên Cầm  (credits: IAU và Sky&Telescope magazine)

Tên gốc của chòm sao này là Lyra (phát âm /ˈlaɪrə/), phiên âm Hán Việt là Thiên Cầm trong tiếng Việt hoặc The Lyre trong tiếng Anh. Dạng sở hữu cách được viết là Lyrae (phát âm /ˈlaɪriː/), khi đặt tên cho các ngôi sao ở trong chòm sao này. Ký hiệu viết tắt của chòm sao là “Lyr” được thông qua bởi Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) vào năm 1922. 

Chòm sao Thiên Cầm cũng thuộc một nhóm các chòm sao gọi là “Hercules Family” cùng với: Thiên Đàn (Ara), Nhân Mã (Centaurus), Nam Miện (Corona Australis), Ô Nha (Corvus), Cự Tước (Crater), Nam Thập Tự (Crux), Thiên Nga (Cygnus), Vũ Tiên (Hercules), Trường Xà (Hydra), Sài Lang (Lupus), Thiên Ưng (Aquila), Xà Phu (Ophiuchus), Thiên Tiễn (Sagitta), Thuẫn Bài (Scutum), Cự Xà (Serpens), Lục Phân Nghi (Sextans), Nam Tam Giác (Triangulum Australe) và Hồ Ly (Vulpecula).

Chòm sao Thiên Cầm (Lyra) 23h30 ngày 28/05/2023 mô phỏng bằng phần mềm Stellarium. Các chòm sao thể hiện trên mô phỏng Thiên Nga (Cygnus), Thiên Ưng (Aquila), Hồ Ly (Vulpecula), Thiên Tiễn (Sagitta), Hải Đồn (Delphinus) và Thuẫn Bài (Scutum). Ngoài ra còn có Tam Giác Mùa Hè (Summer Triangle) được tạo bởi ba ngôi sao Altair (Ngưu Lang), Vega (Chức Nữ) và Deneb (Thiên Tân).

Sao Chức Nữ hay còn gọi là Vega (Alpha Lyrae), là ngôi sao sáng nhất thuộc chòm Thiên Cầm với độ sáng biểu kiến là 0.03. Ngoài ra, còn có 5 ngôi sao khác có tên chính thức được thông qua bởi Hiệp hội Thiên văn Quốc tế bao gồm: Aladfar (Eta Lyrae), Sheliak (Beta Lyrae), Sulafat (Gamma Lyrae), Xihe và Chasoň. Đây còn là nơi xuất hiện của trận mưa sao băng Thiên Cầm (Lyrids) nổi tiếng, thường xuất hiện khoảng 20-21/4 hằng năm, ngoài ra còn có 2 trận mưa sao băng nhỏ khác là June Lyrids và Alpha Lyrids.

Thần thoại

Chòm sao Thiên Cầm đại diện cho chiếc đàn lia của Orpheus, một nhạc sĩ và thi sĩ nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp. Trước khi mất, chàng đã ném cây đàn của mình xuống sông, sau đó thần Zeus đã gửi một con đại bàng (chính là chòm sao Thiên Ưng) để mang Orpheus và cây đàn của mình lên bầu trời.

Orpheus là con trai của Oeagrus, vua của Thrace (vùng đất nằm ở phía Đông Nam của châu Âu bao gồm một phần lãnh thổ của Bulgaria, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ), và nàng thơ Calliope. Khi còn trẻ, chàng đã được vị thần Mặt Trời, Apollo, tặng cho một chiếc đàn lia bằng vàng và dạy cách chơi nó. Ngoài ra, Orpheus còn được mẹ mình dạy cho cách viết nên các bản nhạc.

Orpheus nổi tiếng với khả năng mê hoặc tất cả bằng âm nhạc của mình, ngay cả với những hòn đá vô tri. Chàng còn là bạn đồng hành của Jason và các Argonauts (một nhóm các anh hùng trong thần thoại Hy Lạp) trong chuyến hành trình của họ đi tìm “Lông cừu vàng”. Orpheus cùng với thứ âm nhạc huyền diệu của mình đã cứu các Argonauts khỏi giọng hát của các Sirens (những bài hát của họ có giai điệu huyền ảo và khiến cho các thủy thủ mất phương hướng đâm thẳng tàu đến đảo, nơi các Siren sống, và bị những phiến đá quanh đảo phá đắm tàu). Khi các Argonauts tiếp cận đến hòn đảo, Orpheus đã đưa cây đàn lia của mình lên và chơi một bản nhạc làm lấn át đi giọng hát của các Sirens.

Và câu chuyện nổi tiếng nhất về Orpheus chính là về chuyện tình của chàng và nàng tiên Eurydice. Họ đã yêu nhau, kết hôn và có một cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, hạnh phúc này không kéo dài được bao lâu. Trong một lần dạo chơi trong rừng cùng các nàng tiên Nymph khác, Aristaeus, một thợ săn, đã bắt gặp và mê mẩn nàng. Hắn muốn chiếm hữu lấy nàng thành của riêng mình. Nhưng nàng cự tuyệt và bỏ chạy, không may nàng bị trượt chân và rơi vào một ổ rắn, vết cắn vào gót chân đã khiến nàng rời khỏi nhân giới. Orpheus phát hiện và khóc thương cho người vợ của mình, tiếng đàn của chàng làm lay động từ những sinh vật nhỏ bé, cho đến các vị thần trên đỉnh Olympus. Các vị thần đã đưa cho chàng một lời khuyên, đó là đi đến thế giới bên kia và cố gắng đưa Eurydice trở về. Khi đến Âm phủ, Orpheus đã thuyết phục được vị thần cai quản ở đây, Hades, mang vợ mình trở về. Tuy nhiên, với một điều kiện là trong suốt hành trình quay trở lại, cả hai không được phép ngoảnh lại cho đến khi chạm đến nhân giới. Không may rằng, Orpheus đã quên mất mình chỉ được quay lại khi mà cả hai đều đã đến nơi. Ngay khi đặt chân đến đích, chàng quay mặt lại, tuy nhiên Eurydice thì vẫn chưa chạm chân đến nhân giới, nàng ngay lập tức biến mất ngay trước mặt Orpheus. Chàng cố gắng quay lại Địa ngục để cứu lấy người vợ của mình nhưng bị người lái đò từ chối. Orpheus đau khổ, chàng trở nên chán ghét mọi thứ sau khi mất Eurydice, cuối cùng chàng đã bị giết bởi các Maenads (một lũ đàn bà say rượu tôn thờ các vị thần rượu, say xỉn) vì đã không tôn vinh vị thần Dionysus trong lễ hội của ông. Sau cái chết của Orpheus, những nàng thơ (Muse) đã đưa cây đàn của chàng lên thiên đàng và hỏa thiêu thân xác chàng ngay bên dưới đỉnh Olympus.

Orpheus đang cầm chiếc đàn lia của mình và dắt tay sau là người vợ Eurydice trên hành trình thoát khỏi Địa ngục (credit: Greek Mythology).

Chòm sao Thiên Cầm thường được mô tả như một con chim kền kền hoặc là chim đại bàng mang chiếc đàn lia của Orpheus và thường được gọi là Aquila Cadens hay Vultur Cadens, nghĩa là “đại bàng rơi” hay “kền kền rơi”.

Ngoài ra, ở xứ Wale, người ta còn biết đến chòm sao này với cái tên là “Chiếc đàn của vua Arthur” (King Arthur’s Harp) hay “Chiếc đàn của vua David” (King David’s Harp).

THAM KHẢO