Các kính thiên văn phản xạ sử dụng hệ gương để tạo ảnh. Một kính thiên văn phản xạ mang lại tỷ lệ tốt nhất về kích thước trên cùng tầm tiền. Các kính thiên văn nghiệp dư lớn nhất hiện nay đều là kính phản xạ.

Hình 1. Kính thiên văn phản xạ sử dụng một gương cầu lõm để hội tụ ánh sáng, và một gương phẳng nhỏ để phản xạ ánh sáng đó đến thị kính. Ảnh: starlust.org.

Tất tần tật về kính phản xạ

Nhà thiên văn học người Scotland James Gregory phát minh ra kính thiên văn phản xạ và đã công bố các mô tả về nó vào năm 1663. Mặc dù các nhà thiên văn học và sử học đều ghi rằng ông là người phát minh, thì Gregory chưa thực sự chế tạo ra kính thiên văn.

Nhà toán học người Anh, Sir Isaac Newton đã dựng nên chiếc kính thiên văn phản xạ đầu tiên vào năm 1668. Chiếc kính này có gương rộng 1.3 inch (33mm) và thân ống dài 6 inch (khoảng 154mm).

Ngày nay, mọi kính phản xạ “Newtonian” đều chứa 2 gương: một gương cầu lớn được gọi là “gương chính” có vị trí nằm ở đáy thân ống, và một gương phẳng nhỏ gọi là “gương thứ cấp” nằm ở gần đầu ống. Ánh sáng đi vào, di chuyển dọc theo thân ống, chạm vào gương chính và phản xạ đến gương thứ cấp. Gương thứ cấp sau đó phản xạ ánh sáng này đến thị kính.

Cho đến tận giữa thế kỷ 20, các nhà thiên văn học nghiệp dư đều tự chế tạo kính thiên văn phản xạ. Ngày nay các nhà sản xuất chào hàng các mẫu kính phản xạ chất lượng cao, và cũng đắt đỏ hơn. Tuy vậy nhìn chung, các kính phản xạ có giá thành rẻ hơn. Vì thế nếu tài chính hạn hẹp, bạn sẽ cần cân nhắc đến một chiếc kính thiên văn phản xạ nhỏ.

Nhưng những ống kính nghiệp dư lớn nhất đều là phản xạ. Do đó, nếu việc di chuyển một “cái xô ánh sáng” lớn và nặng không phải là vấn đề, thì một chiếc kính thiên văn phản xạ 12-inch hoặc lớn hơn có lẽ là chiếc kính tương lai của bạn.

Hình 2. Một ống kính thiên văn phản xạ nhỏ gọn với thiết kế đơn giản. Ảnh: Astronomers Without Borders

Hình 3. Kính thiên văn phản xạ Celestron gắn trên chân đế xích đạo. Ảnh: Celestron.

Những thứ cần quan tâm với kính thiên văn phản xạ

Kính thiên văn phản xạ không có dư sắc khi quan sát. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ không nhìn thấy các “tua rua” màu xung quanh thậm chí là với cả những đối tượng sáng.

Giá trị tốt nhất trong tầm tiền. Các kính thiên văn phản xạ rẻ hơn so với các loại kính thiên văn khác. Khi chế tác gương chính, nhà sản xuất chỉ phải mài và đánh bóng 1 mặt gương mà thôi. Trong khi một vật kính vô sắc của kính thiên văn khúc xạ APO có từ 4 đến 8 mặt gương, cộng thêm việc bạn phải nhìn xuyên qua các thấu kính cho nên chất liệu kính phải hoàn toàn không có khiếm khuyết. Tất cả những điều này khiến cho vật kính loại này vô cùng đắt đỏ. Hầu hết các kính thiên văn có khẩu độ lớn hơn 6 inch (>150mm) đều là kính thiên văn phản xạ hoặc phức hợp.

Vị trí đặt gương thứ cấp tạo ra một chút cản trở khiến ánh sáng tán xạ một lượng nhỏ từ vùng sáng đến nơi tối hơn. Trừ khi bạn đang ngắm một hành tinh hay một tinh vân sáng với độ phóng đại lớn, còn lại thì bạn sẽ gần như không bị ảnh hưởng bởi điều này.

Các kính thiên văn phản xạ Newtonian bị ảnh hưởng bởi “coma”, quang sai sao chổi, một khiếm khuyết khiến cho các ngôi sao ở vùng rìa của trường nhìn trông dài và mảnh như một sao chổi. Người quan sát thường giải quyết vấn đề này bằng cách đặt tất cả các mục tiêu cần quan sát vào vùng giữa trường nhìn.

Bởi vì cách mà gương cầu gắn vào ống kính, một kính thiên văn phản xạ khá nhạy cảm với các va chạm hay xô đẩy khi vận chuyển. Để chắc chắn mọi thứ đều ổn, nhiều người ngắm sao chuẩn trực lại kính thiên văn (tinh chỉnh các gương) trước mỗi phiên quan sát.

Tham khảo

Astronomy: How to buy your first telescope