Giordano Bruno sinh ra tại thành phố Nola, vùng Campania, miền nam Italy. Tên lúc nhỏ của Bruno là Filippo. Khi 15 tuổi, Bruno gia nhập dòng tu Dominic và được thầy giáo đổi tên thành Giordano. Bruno trở thành thầy tu vào năm 1572.


Giordano Bruno (1548 – 17/02/1600)

Bruno là một trong những người đầu tiên chịu ảnh hưởng và ủng hộ mạnh mẽ thuyết Nhật Tâm của Copernicus. Các tư tưởng triết học, vũ trụ quan của Bruno đi trước thời đại hàng trăm năm, ông là người đầu tiên phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của các thiên cầu, đưa ra ý kiến là vũ trụ rộng vô biên, có các hành tinh chưa được khám phá, trên đó có các sinh vật, v.v ... Từ năm 1576, để tránh bị đưa ra tòa án dị giáo, Bruno đã rời khỏi Rome và từ bỏ dòng tu Dominic. Sau 1 thời gian sống tại Geneva (nay thuộc Thụy Sĩ), Bruno chuyển đến Pháp. Vua Henri III đã rất ngưỡng mộ tài năng và học vấn của Bruno và đã trở thành người bảo trợ của ông.

Năm 1585, vì lý do chính trị và tôn giáo, Bruno rời khỏi Pháp. Trong những năm sau đó, ông đến Đức và Czech. Có lẽ Bruno đã nghĩ rằng tòa án dị giáo của Rome không còn chú ý nhiều đến trường hợp của mình nên đã quay lại Italy. Tháng 3 năm 1592, Bruno đến Venice làm gia sư cho một dòng họ quý tộc. Tuy nhiên, ông đã bị bắt giữ vào ngày 22/05/1592. Ông bị giam cầm ở Rome 8 năm, chịu nhiều lần xét xử. Bruno đã dũng cảm bảo vệ các quan điểm của mình đến cùng. Ngày 17/02/1600, ông đã hi sinh trên giàn hỏa thiêu tại Roma trong cuộc đấu tranh cho những tư tưởng tiến bộ trong lĩnh vực Triết học, Thiên văn học.

Bruno được người đời sau xưng tụng như một tấm gương tiêu biểu cho sự hi sinh vì khoa học, vì chân lý. Trong lĩnh vực thiên văn, tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng.


Tượng Bruno đặt tại Roma, nơi ông bị hành hình (Campo dei Fiori)

Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 - 2007. February 17 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/2/2_17.htm
[2]Wikipedia, 02/2008. Giordano Bruno, http://en.wikipedia.org/wiki/Giordano_Bruno
[3] (Isaac Asimov, 1966. [b]Hệ Mặt Trời, trang 62, người dịch Đắc Lê, NXB Khoa Học và Kỹ Thuật, 1980)

 

Ngày sinh nhà thiên văn người Đức Tobias Mayer (17/02/1723 – 20/02/1762)


Ảnh: Tobias Mayer (17/02/1723 – 20/02/1762)

Tobias Mayer sinh ra tại thị trấn Marbach, vùng Württemberg, nay thuộc tây nam nước Đức. Lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, ông đã tự học tập, nghiên cứu và trở thành một nhà toán học. Năm 1746, ông đến Nuremberg và làm việc trong một cơ sở vẽ bản đồ do nhà địa lý nổi tiếng đương thời là Johann Baptist Homann chỉ đạo. Tại đây, ông đã đề ra nhiều giải pháp mới cải tiến kỹ thuật vẽ và xây dựng bản đồ. Năm 1751, ông được bầu làm giáo sư kinh tế học và toán học trường đại học Göttingen. Từ năm 1754 cho đến cuối đời, ông đảm nhiệm chức vụ giám đốc đài thiên văn của trường.

Mayer rất nổi tiếng trong lĩnh vực quan sát và nghiên cứu Mặt Trăng. Trong thời gian từ 1753 đến 1755, ông hoàn thành bản danh mục vị trí Mặt Trăng cho chính phủ Anh. Bản danh mục này cho phép xác định kinh độ trên biển chính xác đến nửa độ. Phương pháp xác định kinh độ kèm theo các công thức loại trừ sai số sinh ra do sự nhiễu động của khí quyển của Mayer được xuất bản vào năm 1770 (sau khi ông qua đời). Ông cũng là người phát hiện ra sự rung lắc của trục quay Mặt Trăng.

Tên của ông được dùng để đặt cho một crater trên Mặt Trăng

Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 - 2007. February 17 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/2/2_17.htm
[2].JOC/EFR, 12/1996. Tobias Mayer, http://www-history.mcs.st-andrews.ac.uk/Biographies/Mayer_Tobias.html
[3]Wikipedia, 12/2007. Tobias Mayer, http://en.wikipedia.org/wiki/Tobias_Mayer

Hero_Zeratul
ttvnol.com