Pioneer 11[1] là tàu thăm dò thứ 2 của NASA thực hiện nhiệm vụ thám hiểm các hành tinh tính từ Sao Mộc trở ra của hệ Mặt Trời (Pioneer 10 và 11). Pioneer 11 là tàu thăm dò đầu tiên tiếp cận Sao Thổ và vành đai chính của hành tinh này. [2]
 
Vật lý thiên văn
Ảnh: Tàu thăm dò Pioneer 10, 11

Pioneer 11 có chiều dài 2.9 mét, trên đó triển khai một ăngten chính có đường kính 2.74 m. Nguồn năng lượng sử dụng của Pioneer 11 là năng lượng hạt nhân, với công suất là 144W khi bay qua Sao Mộc và giảm xuống còn 100W khi bay qua Sao Thổ. Pioneer11 định vị trong không gian bằng 2 đầu dò Mặt Trời và một đầu dò sao Canopus. Việc giữ tàu vũ trụ quay ổn định và hiệu chỉnh vận tốc được thực hiện bằng 3 cặp tên lửa đẩy trên tàu. Trên Pioneer 11 triển khai các thiết bị đo từ trường của hành tinh, của môi trường giữa các hành tinh, đo gió Mặt Trời, tia vũ trụ, đo các thông số của Sao Mộc, Sao Thổ và các vệ tinh của những hành tinh này, ... [2]

Trên Pioneer 10 và Pioneer 11 có mang theo một tấm biển nhỏ trên đó vẽ hình một người đàn ông, một người đàn bà và vị trí của Mặt Trời, Trái Đất trong giải Ngân Hà.[2]


Ảnh: Tấm biển gắn trên Pioneer 10 và Pioneer 11


Ngày 04/12/1974, Pioneer 11 bay qua Sao Một ở khoảng cách 34 nghìn km. Sau khi tăng tốc nhờ lực hấp dẫn của Sao Mộc, Pioneer 11 bay đến và tiếp cận Sao Thổ ở khoảng cách 21 nghìn km vào ngày 01/09/1979 và sau đó tiếp tục bay thoát ra khỏi hệ Mặt Trời. Vào ngày 30/09/1995, các thiết bị triển khai trên Pioneer 11 ngừng hoạt động vì hết năng lượng. Vào thời điểm đó, Pioneer 11 cách Mặt Trời 44.7 AU và đang dời xa Mặt Trời với vận tốc trung bình 2.5 AU/năm.[2]

Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 - 2007. April 06 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/4/4_6.htm
[2]National Space Scince and Data Center, NASA, last updated 20/10/2005, Pioneer 11, http://nssdc.gsfc.nasa.gov/nmc/tmp/1973-019A.html


Hero_Zeratul
Box Thiên văn học - ttvnol.com