Kính thiên văn vũ trụ Hubble là sản phẩm hợp tác của 2 cơ quan không gian NASA và ESA. Tên của kính được đặt để vinh danh nhà thiên văn Edwin Powell Hubble (20/11/1889 - 28/09/1853). Đây cũng là kính quan sát không gian đầu tiên trong hệ thống «NASA Great Space Observatories» bao gồm 4 kính thiên văn/ đài thiên văn không gian : Hubble (quan sát chủ yếu tại bước sóng biểu kiến), Compton (quan sát chủ yếu tại bước sóng tia gamma), Chandra (quan sát chủ yếu tại bước sóng tia X) và Spitzer (quan sát chủ yếu tại bước sóng hồng ngoại). Trải qua hơn 17 năm hoạt động, kính thiên văn Hubble giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển thiên văn học hiện đại và phổ biến thiên văn học đối với cộng đồng. [2]
 
http://vatlythienvan.com
Ảnh: Tàu con thoi Discovery triển khai kính Hubble [1]
http://vatlythienvan.com
Ảnh: Sơ đồ trao đổi dữ liệu giữa kính Hubble và mặt đất

Được đưa lên vũ trụ bằng tàu con thoi Discovery, kính Hubble hoạt động ở quỹ đạo cách bề mặt Trái Đất khoảng 600 km, chuyển động 1 vòng quanh Trái Đất trong khoảng 96 – 97 phút. Gương phản xạ chính của kính Hubble có đường kính 2.4 m. Do không bị ảnh hưởng bởi khí quyển, kính Hubble có khả năng cho ảnh sắc nét gấp 5 lần so với chiếc kính thiên văn quang học hiện đại nhất đặt trên mặt đất. Mặc dù mục đích chính là quan sát tại bước sóng khả kiến, tuy nhiên, kính Hubble được triển khai thêm các thiết bị để có thể quan sát thêm ở cả bước sóng hồng ngoại và tử ngoại. Năng lượng cung cấp cho toàn bộ các thiết bị được lấy từ 2 tấm pin mặt trời có kích thước 2.6m x7.1m. Một phần năng lượng được dự trữ trong 6 khối pin để sử dụng trong 25 phút kính Hubble chuyển động vào phần bóng tối của Trái Đất trong mỗi chu kỳ. [2]

http://vatlythienvan.com
Ảnh: Dải sóng làm việc của kính Hubble

Sau khi phóng được một tuần, các kết quả quan sát truyền về cho thấy đã có một lỗi nhỏ trong quá trình chế tạo tấm gương chính. Mặc dù lỗi này rất nhỏ, tuy nhiên, nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả quan sát đối với các thiên thể xa và mờ. Lỗi này đã được một nhóm chuyên gia của NASA sửa chữa vào tháng 12/1993 (STS-61, tàu con thoi Endeavour). Đợt sửa chữa này còn triển khai thêm 1 số thiết bị và nâng cấp máy tính chính của kính Hubble. Từ đó đến nay, kính Hubble còn được nâng cấp thêm 3 lần nữa (Tháng 2 năm 1997 và tháng 12 năm 1999 do phi hành đoàn của tàu Discovery, tháng 3 năm 2002 do phi hành đoàn của tàu Columbia). [3]

http://vatlythienvan.com
Ảnh: Hai bức ảnh kính Hubble chụp thiên hà M100 trước và sau khi nâng cấp

Sau tai nạn của tàu Columbia tháng 2 năm 2003, kính Hubble chưa được nâng cấp thêm 1 lần nào nữa. Ngày 30/01/2007, camera chính đã ngừng hoạt động, kính Hubble chỉ còn làm việc tại vùng sóng tử ngoại. NASA dự tính sẽ tiến hành thêm 1 lần nâng cấp kính Hubble nữa vào tháng 5 năm 2008. Nhiệm vụ này sẽ do phi hành đoàn tàu Atlantis thực hiện. Vì lý do an toàn, NASA sẽ triển khai song song hai tàu con thoi, tàu Discovery cũng sẽ bay lên không gian, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Nếu lần nâng cấp thứ 5 thành công, kính Hubble sẽ hoạt động đến năm 2013. [3]

http://vatlythienvan.com Ảnh: Kính Hubble ngoài không gian (tàu Discovery chụp tháng 2 năm 1997)

Tài liệu tham khảo:
[1] European Space Agency, 2000 - 2007. Today in space history – 24 April, http://www.esa.int/esaSC/SEMQ4E2PGQD_index_0.html
[2] European Space Agency, 2000 - 2007. Hubble Overview, http://www.esa.int/esaSC/SEM106WO4HD_index_0_m.html
[3]Wikipedia, 4/2007. Hubble Space Telescope, http://en.wikipedia.org/wiki/Hubble_Space_Telescope

Hero_Zeratul
Box Thiên văn học - ttvnol.com