Chòm sao Thiên Ưng (Aquila, The Eagle, Đại Bàng)
Thiên Ưng là một trong những chòm sao tiêu biểu nằm ở thiên cầu Bắc. Tên của nó có nghĩa là “đại bàng”, đại diện cho con đại bàng của vị thần Jupiter trong thần thoại La Mã. Chòm sao này lần đầu tiên được ghi chép lại bởi nhà thiên văn học người Hy Lạp, Ptolemy vào thế kỉ thứ 2.
Chòm sao Thiên Ưng khá dễ phát hiện trên bầu trời, nó nằm đối diện với chòm Thiên Nga (Cygnus). Sao Ngưu Lang (Altair) là ngôi sao sáng nhất thuộc chòm sao này, nó cùng với hai ngôi sao khác là sao Thiên Tân (Deneb, thuộc chòm Thiên Nga) và sao Chức Nữ (Vega, thuộc chòm Thiên Cầm, Lyra) tạo nên một nhóm sao rất nổi bật, Tam Giác Mùa Hè (Summer Triangle).
Ngoài Sao Ngưu Lang, ngôi sao sáng thứ 12 trên bầu trời, đây còn là nơi quy tụ của một trong những ngôi sao sáng gần chúng ta nhất, Tarazed (Gamma Aquilae), một ngôi sao khổng lồ cam, và Eta Aquilae, sao biến quang siêu khổng lồ trắng. Một số vật thể sâu (Deep Sky Objects, DSO) cũng thuộc chòm Thiên Ưng bao gồm: các tinh vân hành tinh như tinh vân Bóng Ma (Phantom Streak Nebula, NGC 6741), NGC 6803, NGC 6804, NGC 6781, tinh vân tối B143-4 và các cụm sao mở NGC 6709, NGC 6755.
Một vài facts và vị trí
Chòm sao Thiên Ưng là chòm sao sáng thứ 22 trên bầu trời đêm, chiếm khoảng 652 độ vuông diện tích và nằm ở góc phần tư thứ tư của thiên cầu Bắc. Nó có thể quan sát được từ vĩ độ +90 đến -75. Các chòm sao lân cận bao gồm: Bảo Bình (Aquarius), Ma Kết (Capricornus), Hải Đồn (Delphinus), Vũ Tiên (Hercules), Xà Phu (Ophiuchus), Thiên Tiễn (Sagitta), Cung Thủ (Sagittarius), Thuẫn Bài (Scutum) và Cự Xà (Serpens).
Tên gốc của chòm sao này là Aquila, phiên âm Hán Việt là Thiên Ưng hay Đại Bàng trong tiếng Việt hoặc The Eagle trong tiếng Anh. Dạng sở hữu cách được viết là Aquilae, khi đặt tên cho các ngôi sao ở trong chòm sao này. Ký hiệu viết tắt của chòm sao là “Aql” được thông qua bởi Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) vào năm 1922.
Thiên Ưng là một trong 15 chòm sao Xích Đạo . Nó có 3 ngôi sao có độ sáng biểu kiến nhỏ hơn 3.00 và hai ngôi sao cách Trái Đất trong khoảng 10 parsecs (32.6 năm ánh sáng). Ngôi sao sáng nhất cũng như là gần nhất so với Trái Đất (chỉ cách 16.77 năm sáng) là Sao Ngưu Lang.
Có 9 hành tinh thuộc chòm Thiên Ưng đã được biết là có các hành tinh quay xung quanh chúng: HD 179079, HD183263, Xi Aquilae (Libertas), HD 192263, HD 192699, COROT-10, COROT-8. Có 8 ngôi sao có tên chính thức được thông qua bởi Hiệp hội Thiên văn Quốc tế bao gồm: Alshain (Beta Aquilae), Altair (Alpha Aquilae), Chechia, Libertas, Okab (Eta Aquilae), Petra, Phoenicia và Tarazed. Có hai trận mưa sao băng xuất phát từ chòm sao này là June Aquilids và Epsilon Aquilids. Chòm Thiên Ưng không chứa bất cứ vật thể Messier nào.
Chòm sao Thiên Ưng cũng thuộc một nhóm các chòm sao gọi là “Hercules Family” cùng với: Thiên Đàn (Ara), Nhân Mã (Centaurus), Nam Miện (Corona Australis), Ô Nha (Corvus), Cự Tước (Crater), Nam Thập Tự (Crux), Thiên Nga, Vũ Tiên, Trường Xà (Hydra), Sài Lang (Lupus), Thiên Cầm, Xà Phu, Thiên Tiễn, Thuẫn Bài, Cự Xà, Lục Phân Nghi (Sextans), Nam Tam Giác (Triangulum Australe) và Hồ Ly (Vulpecula).
Thần thoại
Trong thần thoại Hy Lạp, Thiên Ưng được xem là con đại bàng mang những tia sét của Zeus và đã được gửi đi để mang Ganymede, vị hoàng tử của thành Troy, đến đỉnh Olympus để trở thành người giữ cốc (Cup bearer) cho các vị thần. Ganymede chính là chòm sao Bảo Bình ngay cạnh chòm Thiên Ưng.
Ở một diễn biến khác, đây là con đại bàng được tìm thấy đang canh giữ mũi tên của Eros, thứ đã đâm trúng tim của Zeus và khiến vị thần này trúng tiếng sét ái tình.
Cũng thần thoại Hy Lạp nhưng là một phiên bản khác thì, Thiên Ưng đại diện cho hình tượng Aphrodite cải trang thành đại bàng để đuổi theo con thiên nga do Zeus biến hình, mục đích là để Nemesis, crush của Zeus, cho trú ẩn. Trong truyện, Zeus đã đặt hình ảnh chim đại bàng và thiên nga giữa các ngôi sao để kỷ niệm sự kiện này.
Tên chính thức của Sao Ngưu Lang là Altair, được phiên âm từ tiếng Ả Rập “al-nasr al-ta’ir”, nghĩa là “đại bàng đang bay” hoặc là “kền kền”. Ptolemy đã gọi ngôi sao này là Aetus, cũng có nghĩa là “đại bàng” trong tiếng La-tinh. Người Babylon và Sumer thì gọi Altair là “ngôi sao đại bàng”.
Tham khảo