Trận mưa sao băng Anh Tiên (Perseids) sẽ đạt cực điểm trong Tháng Tám này khi Trái Đất đi qua dải tàn dư để lại của sao chổi Swift-Tuttle. Và trận mưa sao băng lần này được dự đoán sẽ là một màn trình diễn ngoạn mục trên bầu trời đêm.

Theo chuyên gia về sao băng của NASA Bill Cooke, Anh Tiên có lẽ là trận mưa sao băng nổi tiên nhất trong năm. Trận mưa sao băng này sẽ "bùng phát" trong năm 2016, có nghĩa là chúng sẽ đạt tần suất gấp đôi so với tần suất thường thấy hàng năm của nó.

"Năm nay, thay vì khả năng nhìn thấy 80 sao băng Anh Tiên mỗi giờ, tần suất tại cực điểm của nó có thể lên đến 150 và thậm chí có thể đạt 200 sao băng mỗi giờ", Cooke nói. Đây là lần "bùng phát" trở lại kể từ năm 2009.

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!

Hình 1: Trận mưa sao băng Anh Tiên (Perseids) 2016 sẽ đạt cực điểm đêm 11, rạng sáng 12 tháng Tám, 2016. Tâm điểm của trận mưa sao băng này nằm ở chòm sao Anh Tiên (Perseus) ở bầu trời phương bắc. Credit: NASA/JPL

Thời điểm tốt nhất để quan sát mưa sao băng Anh Tiên?

Trái Đất sẽ đi ngang qua đường đi của sao chổi Swift-Tuttle từ 17/7 đến 24/8, với cực điểm mưa sao băng - khi Trái Đất đi qua khu vực có mật độ bụi lớn nhất - diễn ra vào ngày 12/8. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ nhìn thấy nhiều sao băng nhất trong một khoảng thời gian ngắn nhất vào thời điểm xung quanh cực điểm, nhưng bạn vẫn có thể "bắt" được một vài ngôi sao băng của trận mưa sao băng nổi tiếng này trước hoặc sau thời gian cực điểm.

Các sao băng dường như sẽ xuất phát từ chòm sao Anh Tiên (Perseus), sẽ mọc lên từ đường chân trời vào khoảng 10 giờ tối theo giờ địa phương. Tuy nhiên, phần lớn sao băng sẽ xuất hiện sau nửa đêm. Chúng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời, nhưng các vệt sao băng sẽ luôn có xu hướng xuất phát từ chòm sao Anh Tiên.

Vào đêm 11/8, ánh sáng của Mặt Trăng sẽ ảnh hưởng đến trận mưa sao băng Anh Tiên, nhưng nó sẽ lặn vào lúc 1 giờ sáng theo giờ địa phương vào ngày 12/8. Do đó thời gian tốt nhất để quan sát mưa sao băng là sau khi Mặt Trăng lặn.

Bạn có thể chiêm ngưỡng mưa sao băng tốt nhất từ bán cầu bắc cho đến các vĩ độ giữa về phía nam, và tất cả bạn cần có để chiêm ngưỡng màn trình diễn này là một bầu trời tối, một nơi nào đó có thể thoải mái ngồi (hoặc nằm), và một chút kiên nhẫn.

Trăng tròn sẽ rơi vào ngày 18/8, do đó bạn sẽ có được quan sát tốt hơn vào thời gian đầu tháng, khi ánh trăng không quá sáng làm ảnh hưởng đến việc quan sát sao băng.

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!

Hình 2: Trong thời gian cực điểm của trận mưa sao băng Anh Tiên 2016 vào đêm 11, rạng sáng 12/8, trăng sáng sẽ gây ảnh hưởng đến việc quan sát cho đến 1 giờ sáng (giờ địa phương) khi Mặt Trăng lặn. Sau đó sẽ là khoảng thời gian tốt nhất để chiêm ngưỡng trận mưa sao băng đáng mong chờ này, theo NASA. Credit: NASA/JPL

Nguyên nhân nào sinh ra trận mưa sao băng Anh Tiên?

Sao chổi Swift-Tuttle là vật thể lớn nhất từng biết đã đi ngang qua Trái Đất nhiều lần; nhân của nó có đường kính khoảng 26 km. Lần gần đây nhất sao chổi này băng qua gần Trái Đất trong khi di chuyển trên quỹ đạo của nó xung quanh Mặt Trời là vào năm 1992, và lần tiếp theo sẽ là năm 2126. Nhưng nó sẽ không bị quên lãng vào lúc này, bởi vì Trái Đất hàng năm vẫn đi ngang qua dải bụi và tàn dư để lại của nó, tạo nên trận mưa sao băng Anh Tiên hàng năm tuyệt đẹp.

Khi bạn ngồi xuống để quan sát một trận mưa sao băng, thực ra bạn đang nhìn vào các mảnh tàn dư sao chổi bị đốt nóng khi chúng đi vào bầu khí quyển, và cháy lên thành một vệt sáng dài rực rỡ xuyên qua bầu trời khi chúng di chuyển với vận tốc lên đến 59 km/s. Khi chúng ở trong không gian, các mảnh tàn dư này được gọi là "thiên thạch" (meteoroid), nhưng khi chúng chạm vào bầu khí quyển của Trái Đất, chúng được gọi là một "sao băng" (meteor). Nếu mảnh tàn dư này không bị đốt cháy hoàn toàn trong suốt quãng đường rơi xuống Trái Đất,nó được gọi là "vẫn thạch" (meteorite). Hầu hết các sao băng của Anh Tiên đều quá nhỏ để có thể chạm đến mặt đất, chúng chỉ có kích thước bằng một hạt cát mà thôi.

Năm nay, đường đi của sao chổi sẽ đặc biệt "đông đúc", điều đó có nghĩa là trận mưa sao băng sẽ trong một đợt "bùng phát" - một điều kiện xảy ra khi các mảnh tàn dư co cụm với nhau do sự ảnh hưởng của các hành tinh lớn, Cooke cho biết.

"Sự bùng phát của mưa sao băng Anh Tiên trong tháng Tám này - bạn có thể hiểu về nó một cách đơn giản khi lực hấp dẫn của Sao Mộc khiến các hạt tập trung ở phía trước đường đi của Trái Đất. Điều đó không xảy ra với tất cả các trận mưa sao băng, nhưng khi mưa sao băng Anh Tiên có một quỹ đạo đưa chúng đi ngang qua Sao Mộc, chúng có thể băng qua đủ gần với Sao Mộc để lực hấp dẫn của hành tinh này có thể tác động đến chúng", Cooke cho biết thêm.

Sự bùng phát này xảy ra không thường xuyên, và các nhà khoa học chỉ có sức mạnh của tính toán để dự đoán những năm nào điều này có thể xảy ra bắt đầu từ cuối thập niên 90.

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!

Hình 3: Nhiếp ảnh gia Ruslan Merzlyakov đã chụp bức ảnh ngoạn mục này của trận mưa sao băng Anh Tiên trên bầu trời Đan Mạch rạng sáng ngày 13/8 năm ngoái. Credit: Ruslan Merzlyakov/RMS Photography

Bạn cần những gì để chiêm ngưỡng mưa sao băng Anh Tiên?

Chìa khóa để giúp bạn quan sát một trận mưa sao băng là "phải nhìn thấy được càng nhiều diện tích bầu trời càng tốt". Hãy đi đến một khu vực tối, ở ngoại ô thành phố hoặc về vùng nông thôn, và chuyển bị để ngồi (hoặc nằm) ngoài trời trong vài giờ. Mắt của bạn sẽ cần đến 30 phút để làm quen với màn đêm tối đen, và nếu bạn ở ngoài trời càng lâu, bạn sẽ có thể nhìn thấy được càng nhiều sao băng. Tần suất lần này lên đến 150 sao băng mỗi giờ, nghĩa là khoảng từ 2 đến 3 sao băng mỗi phút, bao gồm cả các vệ sao băng mờ bên cạnh các sao băng sáng, và có thể có cả "cầu lửa" (fireball).

Một số người quan sát bầu trời dự định sẽ cắm trại để chiêm ngưỡng mưa sao băng Anh Tiên, nhưng tối thiểu, bạn cần phải mang theo vài thứ để giúp bạn ngồi (nằm) một cách thoải mái, một vài món đồ ăn nhẹ, và thuốc hoặc kem chống côn trùng. Sau đó, chỉ cần thư giãn và nhìn lên bầu trời sâu thẳm, chiêm ngưỡng trận mưa sao băng được mong chờ nhất cả năm.

Nguồn: Space