Cuối tuần qua, các thành viên VLTV rất vui mừng và tự hào khi được trở thành một trong những thành viên của “Mạng lưới thiên văn nghiệp dư Việt Nam” tại sự kiện “Tuần lễ Thiên Văn cộng đồng toàn quốc 2024”, diễn ra tại Trung tâm Khám phá khoa học Quy Nhơn - ExploraScience Quy Nhơn.
Sự kiện đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho cộng đồng yêu thiên văn từ khắp mọi miền đất nước! Tại đây, các CLB Thiên Văn và tổ chức Thiên Văn Nghiệp Dư tại Việt Nam đã cùng tham gia và đồng lòng thống nhất thành lập “Mạng lưới thiên văn nghiệp dư Việt Nam”, tạo nên một khối liên kết vững mạnh nhằm nâng cao nhận thức và lan tỏa đam mê thiên văn trong cộng đồng, đặc biệt là đối với giới trẻ và các nhóm trẻ em ở những vùng sâu vùng xa.
Bên cạnh những tên tuổi quen thuộc như CLB HAAC (TP.HCM), CLB HAS (Hà Nội), CLB DAC (Đà Nẵng), sự kiện còn có sự tham gia của các CLB trẻ: CLB USAC (HCMUS), CLB VLTV, ...đã cùng thảo luận và lập kế hoạch cho những dự án tương lai hướng tới lợi ích cộng đồng. Mạng lưới này không chỉ tạo cơ hội cho việc hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực hiện các chương trình học và giao lưu khoa học, mà còn mở rộng thêm cánh cửa cơ hội cho những tài năng trẻ trong lĩnh vực thiên văn.
Tại sự kiện có sự tham gia và thảo luận của HỘI THIÊN VĂN VŨ TRỤ VIỆT NAM - Vietnamese Astronomical Society - VAS, Astrokids, nhóm Nhiếp ảnh thiên văn và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực. Chi tiết 8 CLB, hội, nhóm tham gia mạng lưới như sau:
- HAAC: CLB Thiên Văn Nghiệp Dư TP.HCM
- HAS: Hội Thiên Văn Hà Nội
- DAC: CLB Thiên Văn học Đà Nẵng
- USAC: CLB Thiên Văn Trường Đại Học KHTN TP.HCM
- VLTV: CLB Vật Lý Thiên Văn
- YAC: CLB Thiên Văn Trường Đại Học Tây Nguyên
- NTO: CLB Thiên Văn Đài Thiên Văn Nha Trang
- BAC: CLB Thiên Văn Bình Định
Tại hội nghị, GS. Pierre Darriulat (Cựu Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), Cố vấn khoa học tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam) cũng đã có bài nói chuyện đại chúng về "Phát triển Vật lý Thiên văn ở Việt Nam: Hơn hai thập kỷ nỗ lực" tại Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo. Bài nói chuyện nằm trong chuỗi “SAGI Special Seminar” do TS. Nguyễn Trọng Hiền (Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), Trưởng nhóm Vật lý Thiên văn – SAGI tại Viện IFIRSE thuộc Trung tâm ICISE) chủ trì. Qua bài nói, giáo sư đã giúp các bạn trẻ yêu khoa học và các CLB có cái nhìn tổng quan và rõ nét hơn về Vật lý Thiên văn ở Việt Nam, giúp các bạn vững bước hơn trên hành trình chinh phục ước mơ cao cả.