X SỰ KIỆN THIÊN VĂN NĂM 2021

Một năm sắp qua và một năm nữa lại đến, hãy cùng chúng mình tổng hợp lại các sự kiện thiên văn nổi bật của năm vừa qua nhé!

10. Farfarout là thiên thể xa nhất được biết tới trong Thái Dương Hệ

Hồi 2018, các nhà thiên văn học đã phát hiện một thiên thể mờ ở phía ngoài Hệ Mặt trời được đặt biệt danh là Farfarout. Sau một vài năm quan sát bổ sung, các nhà thiên văn vào hôm 20 tháng 2 năm 2021 đã công bố đây chính thức là vật thể xa nhất thuộc Hệ Mặt Trời và được đặt tên chính thức là 2018 AG37.

NOIRLab: Astronomers Confirm Solar System’s Most Distant Known Object Is Indeed Farfarout


9. Biến đổi khí hậu đã làm dịch chuyển trục của Trái Đất

Một nghiên cứu được công bố hôm 22 tháng 3 cho biết, băng tan do hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể là nguyên nhân gây ra sự thay đổi chuyển động của hai cực Trái Đất xảy ra vào những năm 1990. Các sông băng tan chảy khiến hướng của các cực quay tăng tốc về phía Đông trong những năm 1990.

Phân tích của các nhà nghiên cứu xác định rằng vào năm 1995, hướng của sự trôi dạt địa cực đã chuyển từ nam sang đông. Tốc độ trôi dạt trung bình từ năm 1995 đến năm 2020 cũng tăng khoảng 17 lần so với tốc độ trung bình được ghi nhận từ năm 1981 đến năm 1995. 
Bài báo

8. Thiên thể liên sao Borisov có thể là sao chổi nguyên sơ đầu tiên quan sát được

Có hai thiên thể duy nhất được biết tới là thiên thể liên sao - tức là chúng là những vị khách đến từ các hệ sao khác Hệ Mặt Trời của chúng ta - có tên là 1I / 'Oumuamua và 2I / Borisov.
'Oumuamua nổi tiếng với hình dáng kỳ lạ có thể có nguồn gốc từ một mảnh vụn hành tinh hay cũng có thể là phi thuyền của người ngoài hành tinh. Sao chổi 2I / Borisov ít được biết đến hơn, nó có thể có nguồn gốc từ môt ngôi sao lùn đỏ. Dấu hiệu thành phần hóa học cho thấy thiên thể này chưa từng tương tác với một ngôi sao trước đây, điều này có nghĩa 2I / Borisov có thể đại diện cho một sao chổi nguyên sơ thực sự lần đầu tiên được quan sát.

Compact pebbles and the evolution of volatiles in the interstellar comet 2I/Borisov

7. Các nghiên cứu mới về các đám mây của Sao Kim.

Vào cuối năm 2020, các nhà khoa học đã nghiên cứu bầu khí quyển của Sao Kim công bố một phát hiện đáng ngỡ ngàng và gây tranh cãi - đó là sự hiện diện của Phosphine, một hợp chất hóa học trên Trái Đất được tạo ra chủ yếu bởi các sinh vật sống. Các nhà khoa học cho biết bản thân Phosphine không phải là bằng chứng về sự sống, các nghiên cứu sau đó đã đặt một dấu hỏi rằng liệu Phosphine có từng tồn tại hay không và việc phân tích đã gây nên cuộc tranh cãi trong thời gian dài. Sau đó - vào tháng 3 năm 2021 - một nghiên cứu từ Rakesh Mogul của CalPolyPomona đã giúp cho phát hiện ban đầu về Phosphine tiến xa hơn, rằng các chất hóa học khác liên quan đến sinh học trong bầu khí quyển của Sao Kim dường như đang ở trạng thái mất cân bằng - một dấu hiện khác của sự sống.

Venus’ Mass Spectra Show Signs of Disequilibria in the Middle Clouds

6. Tìm kiếm các đại dương ngoại hành tinh với các thành phần hóa học

Có sự sống ngoài Trái Đất không? Nghe thì có vẻ khả thi, mặc dù chúng ta vẫn chưa có một bằng chứng xác thực nào. Các nhà thiên văn hôm 26 tháng 8 cho biết có thể tìm thấy các đại dương ngoại hành tinh ẩn nấp trong những hành tinh xa xôi nhờ vào thành phần hóa học trong bầu khí quyển của chúng. Nghiên cứu chỉ ra rằng, trên những thế giới tồn tại đại dương đó - thành phần hóa học cấu tạo nên bầu khí quyển sẽ khác xa so với những nơi không có đại dương trên bề mặt.

Nhìn chung, điều này có thể áp dụng cho những hành tinh có kích thước như Trái Đất, Siêu Trái Đất và Dưới Hải Vương. Bài báo này tập chung vào các hành tinh có đường kính từ khoảng 1.7 tới 3.5 lần Trái Đất. Các kính thiên văn với quang phổ kế như sắp tới đây là James Webb có thể xác định được các thành phần hóa học cấu thành nên khí quyển của một hành tinh. Nó có thể tìm thấy những khí như là Oxy, CO2 hay Methane, những thứ khởi nguồn cho dấu hiệu của sự sống.

Điều đó thật thú vị, song những phân tích hóa học có thể tiết lộ cả những thứ khác về hành tinh đó nữa, việc tìm kiếm bằng chứng về các đại dương tất nhiên cũng có ý nghĩa với khả năng sinh sống và phát triển nữa.

https://vatlythienvan.com/index.php?option=com_content&view=article&id=5427:tim-kiem-cac-dai-duong-ngoai-hanh-tinh-voi-cac-thanh-phan-hoa-hoc&catid=34&Itemid=567


5. Ngoại hành tinh mới kế bên chúng ta?

Các nhà thiên văn đã chụp được ảnh một thứ gì đó gần ngôi sao Alpha Centauri A, trong hệ sao hàng xóm Hệ Mặt Trời - cách chúng ta chỉ 4.4 năm ánh sáng. Nó có thể là một tiểu hành tinh, bui hoặc là do lỗi hình ảnh hay thậm chí là  một hành tinh? Nếu nó là một hành tinh thì đây sẽ là ngoại hành tinh đầu tiên được biết đến qua chụp ảnh trực tiếp và nằm trong vùng có thể sinh sống. Vùng có thể sinh sống hay habitable zone là vùng của các hệ sao trong đó nước lỏng có thể tồn tại, và do đó có thể tồn tại sự sống như chúng ta biết.

Imaging low-mass planets within the habitable zone of Alpha Centauri

4. Siêu bão Mặt Trời (Superflares) đã từng nhiều lần tấn công Trái Đất.

Một trận siêu bão Mặt Trời đã làm rúng động Trái Đất vào năm 774-775. Các nhà khoa học đã phát hiện ra sự kiện này vào năm 2012 khi phân tích đồng vị Carbon 14 tăng đột biến trong các vân gỗ của cây. Cây cối trên khắp thế giới mang theo bằng chứng về mức tăng đột biến của C14 cho thấy sự kiện này có quy mô toàn cầu. Tháng 9 vừa rồi các nhà khoa học thông báo rằng sau khi tìm kiếm chỉ ⅙ dữ liệu các vân gỗ hiện có, họ tìm thấy bằng chứng về hai sự kiện nữa là vào năm 5259 TCN và 7176 TCN.

Tree rings reveal two strong solar proton events in 7176 and 5259 BCE

3. Túp lều bí ẩn trên bề mặt Mặt Trăng

Xe tự hành Yutu của Trung Quốc đã di chuyển trên bề mặt Mặt Trăng từ khi hạ cánh xuống miệng núi lửa Von Karman ngày 3 tháng 1 năm 2019. Vào ngày 3 tháng 12 năm 2021 nó đã ghi lại một mục kỳ lạ trong nhật ký di chuyển số 2 Yutu của mình. Yutu đã theo dõi một vật thể hình khối ở đường chân trời và đặt biệt danh cho nó là túp lều bí ẩn. Trang web Our Space của Trung Quốc xuất bản cuốn nhật ký và có liên kết với Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA).

Yutu No. 2 Driving Diary (translated from Chinese)

2. Thử nghiệm Chuyển hướng Tiểu hành tinh Kép (DART) 

Tháng 11, NASA phóng tàu Thử nghiệm Chuyển hướng Tiểu hành tinh Kép (DART) với mục tiêu đưa con tàu vận tốc 24.000 km/h đâm vào Dimorphos, mặt trăng nhỏ quay quanh tiểu hành tinh Didymos, dự kiến trong khoảng thời gian từ ngày 26/9 đến ngày 1/10 năm 2022. Nhiệm vụ sẽ giúp xác định tính khả thi của phương pháp chuyển hướng đường bay của tiểu hành tinh, giúp bảo vệ Trái Đất trong tương lai.

Khoảng hai tuần sau khi phóng từ Căn cứ Lực lượng Vũ trụ Vandenberg tại California, DART "mở mắt" và gửi về những bức ảnh đầu tiên ngoài không gian, đánh dấu cột mốc vận hành quan trọng với con tàu và nhóm phụ trách nhiệm vụ.


1. Kính viễn vọng James Webb  

Kính viễn vọng James Webb được phóng lên không gian bằng tên lửa Ariane 5 khoảng 19h20 (giờ Việt Nam) ngày 25-12 tại Trung tâm vũ trụ Kourou ở Guiana thuộc Pháp, một tỉnh của Pháp ở Nam Mỹ. Đây là một siêu dự án của NASA, mất đến 3 thập kỷ và 10 tỉ USD để chế tạo.

"Kính viễn vọng của chúng tôi đang nở như một bông hoa trong không gian, đánh dấu sự bắt đầu của một giai đoạn chính: triển khai tấm chắn mặt trời", NASA cập nhật trên mạng xã hội Twitter ngày 29-12, 4 ngày sau khi siêu kính thiên văn này được phóng lên vũ trụ.

 

Tổng hợp từ nhiều bài viết.