Loạt bài viết này sẽ giúp bạn nhanh chóng tìm hiểu về các loại kính thiên văn phổ biến, các câu hỏi thường gặp, các giải thích về thị kính và phụ kiện, và những chiếc kính thiên văn bạn nên chú ý đầu tiên.

Mua chiếc kính thiên văn đầu tiên đó chính là một bước đi lớn, đặc biệt là khi bạn không có chút ý niệm gì về các loại thuật ngữ phức tạp xoay quanh nó. Do vậy, để giúp bạn hiểu những thứ cần quan tâm hàng đầu trong một chiếc kính thiên văn chất lượng, chúng tôi sẽ giải đáp 11 câu hỏi thường gặp nhất trong bài viết đầu tiên này.

1. Tôi biết các kính thiên văn làm cho mọi thứ trở nên lớn hơn, nhưng chính xác thì chúng làm như thế nào?

Mục tiêu của một chiếc kính thiên văn là để thu thập ánh sáng. Tính chất này giúp bạn quan sát thấy được các vật thể mờ hơn nhiều so với khi bạn nhìn bằng mắt thường. Nhà thiên văn học người Ý Galileo Galilei nói rằng kính thiên văn là thứ tốt nhất để "hé lộ những thứ vô hình".

2. Chiếc kính thiên văn tôi mua là đã hoàn chỉnh, hay là tôi cần mua thêm những thứ gì khác để nó có thể hoạt động?

Hầu hết các bộ kính thiên văn có thương hiệu phổ biến đều là những hệ thống hoàn chỉnh, sẵn sàng cho việc quan sát bầu trời ngay từ khi bạn mở hộp và lắp đặt chúng. Một vài mẫu kính nếu có ghi dòng chữ "Chỉ riêng ống kính quang học" (Optical tube assembly only), thì có nghĩa là thứ bạn vừa mua chỉ chứa mỗi hệ quang học và ống kính, không có chân đế và các phụ kiện khác.

Hình 1. Kính thiên văn Celestron AstroMaster 70AZ là một hệ kính hoàn chỉnh. Nó được đóng gói gồm ống kính thiên văn, chân đế, và hai thị kính. Ảnh: Celestron.

3. Tôi thích quan sát bầu trời, vậy tôi nên làm gì đầu tiên?

Hãy học hỏi mọi thứ có thể liên quan đến kính thiên văn: Các loại kính thiên văn, các phụ kiện tốt nhất, và bạn có thể thấy được gì qua chúng. Loạt bài viết này là một khởi đầu tốt vì bạn sẽ thấy được rất nhiều kiến thức bổ ích.

Nếu một chiếc kính thiên văn khiến bạn hứng thú, hãy tìm đến các trang mạng nổi tiếng để xem các đánh giá và nhận xét về nó. Bạn sẽ học hỏi được nhiều thông tin từ những người đã từng dùng qua. Bạn cũng có thể có được cảm nhận đầu tiên về chất lượng cơ khí, sự cơ động và thuận tiện, và các chức năng khác.

Hoặc bạn cũng có thể gửi câu hỏi đến các nhóm yêu thích thiên văn sinh hoạt trên facebook để nhận được tư vấn cần thiết. Ngoài ra bạn cũng có thể nhắn tin đến fanpage Vật Lý Thiên Văn để được tư vấn cụ thể.

4. Tôi có nên mua ống nhòm trước khi mua kính thiên văn hay không?

Mục đích sử dụng của ống nhòm tương đối khác so với kính thiên văn. Hãy nên xem ống nhòm là một phụ kiện quan trọng, bởi chúng giúp bạn quan sát tốt các cụm sao, Dải Ngân Hà, các chòm sao, và Mặt Trăng. Nhưng với những đối tượng ở xa và mờ hơn thì bạn cần có một chiếc kính thiên văn. Câu trả lời ở đây là không nên. Nhưng bạn nên xem ống nhòm là một phụ kiện quan trọng.

5. Tại sao các vật thể tôi quan sát qua kính thiên văn đều bị lộn ngược?

Bởi vì đó là cách mà một chiếc kính thiên văn hội tụ ánh sáng, phần đỉnh của vật thể bạn quan sát sẽ nằm ở đáy khi nó đi qua thị kính, và ngược lại. Bạn có thể lật ngược ảnh với một phụ kiện được gọi là "dụng cụ đảo ảnh", nhưng bạn sẽ bị mất đi một ít ánh sáng từ vật thể, trong khi với các đối tượng mờ, bạn lại cần thu thập tối đa lượng ánh sáng có thể. Bên cạnh đó, trong không gian không có trên hay dưới, và với hầu hết các vật thể, bạn thậm chí sẽ không biết được chúng thuận chiều hay ngược chiều.

Hình 2. Kính thiên văn làm đảo ngược ảnh của đối tượng quan sát. Đây không phải là vấn đề nghiêm trọng nếu quan sát một đối tượng trong không gian.
Hình 3. Để nhìn một đối tượng qua kính thiên văn với chiều tự nhiên của nó, bạn sẽ cần đến một phụ kiện gọi là một "dụng cụ đảo ảnh". Ảnh: Celestron.

6. Tôi có thể dùng kính thiên văn để quan sát các đối tượng trên mặt đất hay không?

Tất nhiên là có thể rồi! Rất nhiều "tín đồ bóng đêm" (thường là những người có kính thiên văn nhỏ) dùng kính thiên văn của họ để ngắm … chim, và để ngắm các hoạt động ban ngày khác. Đây là lúc mà dụng cụ đảo ảnh phát huy tác dụng.

7. Có cách nào để tôi có thể "dùng thử" kính thiên văn không?

Có. Bạn có thể tìm kiếm một câu lạc bộ thiên văn ở gần nơi bạn ở và tham dự một buổi sinh hoạt của họ. Ở đó, bạn sẽ tìm thấy những người khác có cùng sở thích và chia sẻ thông tin cũng như cho phép bạn nhìn qua kính thiên văn của họ. Trong một buổi quan sát của câu lạc bộ, bạn có thể trải nghiệm nhiều loại kính thiên văn khác nhau trong một thời gian ngắn và hỏi tất cả các câu hỏi bạn muốn.

Hình 4. Tham gia các buổi sinh hoạt của một câu lạc bộ thiên văn sẽ giúp bạn có cơ hội trải nghiệm nhiều loại kính thiên văn khác nhau. Trong ảnh là một buổi quan sát bầu trời của Câu lạc bộ Vật Lý Thiên Văn Việt Nam tại Hà Nội. 
Hình 5. Kính thiên văn Celestron's NexStar 4SE với chân đế tự tìm mục tiêu (go-to), giúp cho việc quan sát dễ dàng hơn. Chân đế điện tử này chứa dữ liệu lên đến gần 40000 thiên thể. Ảnh: Celestron.

8. Bên cạnh chất lượng quang học, thì thứ gì quan trọng nhất đối với chiếc kính thiên văn?

Chân đế, là thứ nâng đỡ ống kính thiên văn. Bạn có thể mua được ống kính có chất lượng quang học tốt nhất quả đất, nhưng nếu bạn đặt nó trên một chân đế chất lượng kém, bạn sẽ không thể hạnh phúc với hệ kính thiên văn này được.  Trong điều kiện gió mạnh, một chân đế chất lượng kém có thể khiến ống kính rung lắc và tất nhiên là khôgn thể quan sát được gì với điều kiện như vậy. Vì thế, hãy bảo đảm rằng ống kính của bạn được đặt trên một chân đế tốt.

9. Kính thiên văn với chân đế tự tìm mục tiêu có tốt hơn chân đế bình thường hay không?

Có. Một chiếc kính thiên văn với chân đế tự tìm mục tiêu (Go-to) là kính thiên văn với một động cơ hoặc nhiều động cơ được điều khiển bởi một máy tính tích hợp. Một khi đã cài đặt hoàn chỉnh cho một đêm quan sát, một kính thiên văn tự tìm mục tiêu sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian bởi nó sẽ tự động dịch chuyển ống kính hướng đến bất kỳ đối tượng nào trên bầu trời mà bạn muốn, và tự động bám theo nó. Ngay cả những người ngắm sao dày dặn kinh nghiệm cũng vẫn ưu tiên chọn kính thiên văn tự tìm mục tiêu vì họ muốn dành phần lớn thời gian cho việc quan sát bầu trời hơn là điều chỉnh kính.

Hình 6. Kính thiên văn Celestron's FirstScope nhỏ gọn và rất nhẹ, lý tưởng cho việc "xách lên và đi ngắm sao". Ảnh: Hope Standard.

10. Dùng kính thiên văn có cần đến nguồn điện không?

Hầu hết các kính thiên văn tự động đều sử dụng điện một chiều, do đó bạn có thể sử dụng pin rời hoặc pin đi kèm theo kính. Với những kính thiên văn có tích hợp sẵn pin, bạn cần sạc điện đầy trước khi mang đi. Các cáp sạc thường sẵn kèm theo kính. Trong trường hợp khẩn cấp, bạn vẫn có thể sử dụng nguồn điện từ xe hơi để cung cấp cho kính thiên văn.

11. Kính thiên văn nào là tốt nhất dành cho tôi?

Đó tất nhiên là chiếc kính thiên văn bạn dùng thường xuyên nhất. Nếu việc chuẩn bị mất quá nhiều thời gian, hoặc nếu kính thiên văn của bạn quá lớn và nặng để mang vác, có thể bạn chỉ quan sát được vài lần mỗi năm. Ở chiều ngược lại, nếu kính thiên văn của bạn dễ dàng lắp đặt, bạn có thể sẽ sử dụng vài lần mỗi tuần. Một chiếc kính thiên văn nhỏ được sử dụng nhiều lần sẽ đánh bại một chiếc kính thiên văn cỡ lớn bám bụi ở trong góc nhà.

Tham khảo

  1. Bakich, M. E. 2023, Astronomy Magazine, https://www.astronomy.com/observing/how-to-buy-your-first-telescope/