Trước đây khi USTH bắt đầu mở ngành đào tạo "Vũ trụ và Ứng dụng" tại Việt Nam, đã có không ít ý kiến nghi ngờ về sự thành công của chương trình này, khi mà tiềm lực khoa học và công nghệ vũ trụ tại Việt Nam vẫn còn quá nhỏ bé. Thậm chí có ý kiến cho rằng "thích thiên văn thì đừng học trường này!"

Tuy nhiên những "quả ngọt" gần đây đã chứng minh rằng: Đây là một chương trình đào tạo chất lượng và đạt chuẩn quốc tế!

Trong hình là 1 Admin của VLTV đấy! Nguyễn Châu Giang là cựu sinh viên cử nhân ngành Vũ trụ và Ứng dụng tại USTH. Hiện nay Châu Giang đang tiếp tục học thạc sĩ "Vũ trụ: Viễn thám - Vật lý thiên văn - Công nghệ Vệ tinh" tại USTH. Kết quả thực tập cử nhân của Châu Giang được đăng trên tạp chí Vật lý thiên văn, xếp hạng 34/100 tạp chí hàng đầu do Google Scholar bình chọn.

Là một trường Đại học Công lập Quốc tế, sinh viên vào học tại USTH được sàng lọc kỹ ngay từ đầu bằng phỏng vấn trực tiếp bởi chính các nhà nghiên cứu, nhờ đó phân loại được những ứng viên có đủ đam mê và động lực để theo đuổi chương trình đào tạo. Đây là cách tuyển sinh thường thấy ở Châu Âu, nhưng vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam bởi vì phỏng vấn từng thí sinh một thì tiêu tốn rất nhiều thời gian. Nhưng USTH đã làm như vậy!

Ưu điểm của cách tuyển sinh này là không quá quan trọng việc thí sinh đó đạt điểm số 3 năm cấp 3 là như thế nào (tất nhiên là 5 môn Toán Lý Hóa Sinh Tin đều phải trên 6.5 thì mới được phỏng vấn), và thí sinh đó đã có các chứng chỉ ngoại ngữ nào... Tất cả sẽ được hội đồng đánh giá tại kỳ phỏng vấn. Yếu tố đam mê được đánh giá rất cao và nhờ đó tạo điều kiện cho nhiều thí sinh thực sự có động lực theo đuổi lĩnh vực này.

Với chương trình đào tạo phân bổ đều cho các hướng: Khoa học, kỹ thuật - công nghệ, ứng dụng, sinh viên được học không chỉ kiến thức mà còn những kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc nghiên cứu cao cấp hơn. Chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh đã giúp sinh viên tiếp cận được nguồn tri thức khổng lồ trên internet.

Có những sinh viên đầu vào tiếng Anh rất kém, nhưng sau 3 năm đã có vốn ngoại ngữ chuyên ngành vững chắc và đủ khả năng học cao học ở châu Âu, Mỹ, và các nước có nền khoa học vũ trụ phát triển khác. Thậm chí còn giành được học bổng làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại các trường đại học danh tiếng ở châu Âu và cả Hoa Kỳ.

Cách đây vài năm, nghi nghe tin nhiều sinh viên USTH đi thực tập châu Âu, nhiều người cho rằng đó chỉ là một số ít may mắn. Khi có sinh viên cử nhân thực tập trực tiếp tại NASA, người ta lại cho rằng chỉ là một cá nhân may mắn khác. Nhưng sự "may mắn" đó cứ lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác một cách đều đặn.

Không dừng lại ở đó, các sinh viên cử nhân và học viên thạc sĩ ngành Vũ trụ và Ứng dụng lại còn được trang bị khả năng nghiên cứu khoa học tuyệt vời. Bằng chứng là các công bố khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế - điều mà các nhà nghiên cứu vẫn luôn khao khát, bởi mục tiêu cuối cùng của Nghiên cứu khoa học vẫn là có công trình được công bố và được giới khoa học thừa nhận. Những công bố khoa học như vậy đã khẳng định rằng "Khoa học vũ trụ đang được đào tạo rất tốt tại USTH."

Có thể những sự hoài nghi đó vẫn còn tiếp tục, nhưng thực tế sẽ chứng minh tất cả. Giấc mơ NASA có thể là quá xa vời với nhiều người, nhưng tại USTH vẫn có người sau khi xong chương trình nghiên cứu sinh đã tiếp tục làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại NASA.

Trong thời đại của những công dân toàn cầu, chuyện phải làm việc "gần nhà" đã là chuyện của quá khứ. Sinh viên USTH ngày nay đang tỏa ra khắp nơi trên thế giới để tiếp tục học tập, nghiên cứu và làm việc.

Nếu bạn có đam mê, hãy theo đuổi đam mê của mình với những sự dẫn dắt đúng đắn.

Tham khảo

  1. Fanpage của USTH: Đại Học Khoa Học và Công Nghệ Hà Nội - USTH
  2. Website của USTH: https://usth.edu.vn/
  3. Bài viết của USTH:  USTHers đã có công bố nào trên tạp chí khoa học quốc tế gần đây?
  4. Công bố quốc tế của Châu Giang trên The Astrophysical Journal: Time-varying Extinction, Polarization, and Colors of Type Ia Supernovae due to Rotational Disruption of Dust Grains