Hướng dẫn quan sát các chòm sao, các vật thể sâu, các hành tinh và sự kiện thiên văn học đáng chú ý trên bầu trời đêm tháng 01/2015.

Các hành tinh buổi tối

Sau khi Mặt Trời lặn, khi bầu trời bắt đầu tối, hãy tìm hành tinh đỏ Sao Hỏa (Mars) trên bầu trời tây nam. Sử dụng một chiếc kính thiên văn để có quan sát tốt hơn các đặc trưng của hành tinh này.

Trong suốt những ngày giữa tháng, ngay sau khi Mặt Trời lặn, hãy quan sát bên dưới Sao Hỏa để tìm Sao Kim (Venus) và Sao Thủy (Mercury) đang quây quần bên nhau trên chân trời phía tây. Sao Kim rực sáng sẽ di chuyển ra xa Sao Thủy và tiến dần đến Sao Hỏa vào thời gian cuối tháng.

Mặt Trăng lưỡi liềm mỏng sẽ tạo nên một bộ ba tuyệt đẹp cùng với Sao Kim và Sao Thủy vào đầu buổi tối ngày 21 tháng 01/2015.

Cuối buổi tối, hãy tìm Sao Mộc (Jupiter) mọc ở hướng đông. Một chiếc kính thiên văn sẽ giúp quan sát các dải tối và có thể là một số Mặt Trăng của hành tinh này.

Các chòm sao và các vật thể sâu

Bầu trời mùa đông được lấp đầy bởi những ngôi sao sáng.

Ngự Phu (Auriga), một chòm sao cổ đại, đại diện cho một người chăn dê của người Hy Lạp và La Mã. Ngự Phu là một chiếc vòng đính những ngôi sao tuyệt sắc, duyên dáng ở trên đỉnh đầu.

Capella, ngôi sao sáng thứ 6 trên bầu trời đêm, là một sao đôi. Hai ngôi sao này là sao vàng giống với Mặt Trời của chúng ta, nhưng chúng lớn gấp khoảng 10 lần và sáng hơn 50 đến 80 lần.

Bên cạnh Ngự Phu là chòm sao lớn hơn có tên Kim Ngưu, một chú bò đực. Trong thần thoại Hy Lạp, chòm sao này đại diện cho thần Dớt (Zeus) với hình dạng của một chú bò trắng và cặp sừng vàng.

Mắt của ông là ngôi sao Aldebaran màu cam, một sao khổng lồ đỏ đang ở đoạn cuối cuộc đời.

Hình dạng chữ V của phần đầu Kim Ngưu được tạo bởi Hyades, một cụm sao tuyệt đẹp, dễ dàng nhìn thấy bởi mắt trần.

Cụm sao Pleiades nằm gần phần đầu của Kim Ngưu. Cụm sao lớn và sáng này nổi tiếng với tên gọi "Cụm Thất Nữ". Mắt người chỉ có thể nhìn thấy 6 hoặc 7 ngôi sao, nhưng cụm Thất Nữ chưa trên 250 ngôi sao. Một cặp ống nhòm sẽ giúp quan sát cụm sao này tốt nhất.

Những ngôi sao trong cụm sao này rất trẻ và nóng. Chúng chiếu sáng xuyên qua một đám mây bụi làm phản xạ lại ánh sáng màu xanh.

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê! http://vatlythienvan.com

Các hành tinh buổi sớm

Sao Thổ (Saturn) mọc ở hướng đông nam vài giờ trước bình minh. Hành tinh với vành đai tuyệt diệu này xuất hiện rõ với một kính thiên văn nhỏ.

Sự kiện

Trận mưa sao băng Quadrantid đạt cực điểm đêm mùng 3, rạng sáng mùng 4. Thật không may, Mặt Trăng sáng sẽ gây ảnh hưởng đến trận mưa sao băng này năm nay. Nhưng với những người dũng cảm dám đương đầu với cái lạnh, có thể họ sẽ nhìn thấy đến 40 sao băng mỗi giờ.

Bầu trời đêm luôn là một bữa tiệc vũ trụ thú vị. Hãy khám phá nó từ ngay sân sau nhà bạn.

Nguồn: HubbleSite