Dưới đây là danh sách các sự kiện thiên văn học đáng chú ý trong tháng 01/2018. Danh sách này được trích ra từ Lịch thiên văn 2018 do VLTV biên soạn.

Ngày 01 tháng 01: Sao Thủy ở vị trí ly giác cực đại phía tây

Hành tinh này sẽ đạt ly giác phía tây lớn nhất lên đến 22.7 độ tính từ Mặt Trời.

Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát Sao Thủy khi mà nó sẽ ở vị trí cao nhất trên đường chân trời bầu trời buổi sáng.

Hãy quan sát hành tinh này ở thấp trên đường chân trời phía đông ngay trước khi Mặt Trời mọc.

Ngày 02 tháng 01: Trăng tròn, siêu trăng

Mặt Trăng sẽ xuất hiện phía đối diện với Mặt Trời và bề mặt của nó sẽ phản xạ tối đa ánh sáng Mặt Trời về phía Trái Đất.

Quá trình này sẽ diễn ra vào 09:24 UTC+7 (giờ Việt Nam).

Lần trăng tròn này được những bộ lạc bản địa đầu tiên ở Mỹ gọi là Trăng Sói bởi đây là thời gian những chú sói đói tru lên bên ngoài trại của họ. Lần trăng tròn này cũng còn được gọi là Trăng Già hay Trăng Sau Lễ Giáng Sinh.

Đây cũng là lần siêu trăng đầu tiên trong tổng số hai lần siêu trăng của năm 2018. Mặt Trăng sẽ ở vị trí gần cực cận với Trái Đất và trông có vẻ lớn hơn và sáng hơn một chút so với lúc trăng tròn bình thường khác.

Ngày 03, 04 tháng 01: Mưa sao băng Thước Phần Tư (Quadrantid)

Thước Phần Tư là một trận mưa sao băng trên mức trung bình, với khoảng 40 sao băng mỗi giờ tại cực điểm. Trận mưa sao băng này được cho là bắt nguồn từ các hạt bụi để lại bởi sao chổi đã “tuyệt chủng” 2003 EH1, được phát hiện năm 2003.

Các sao băng Thước Phần Tư thường xuất hiện từ ngày 01 đến ngày 05 tháng 01 hằng năm. Cực điểm năm nay của Thước Phần Tư rơi vào đêm ngày 03, rạng sáng ngày 04 tháng 01.

Thật không may, Mặt Trăng gần tròn sẽ lấn át tất cả ngoại trừ những sao băng sáng nhất. Nhưng nếu bạn kiên nhẫn, bạn có thể có khả năng thấy được một vài sao băng sáng.

Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Các sao băng sẽ bắt nguồn từ chòm Mục Phu (Bootes), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ đâu trên bầu trời. Tên mưa sao băng được đặt tên theo một chòm sao cổ tên là Thước Phần Tư (Quadrans Muralis).

Ngày 17 tháng 01: Trăng mới

Mặt Trăng sẽ xuất hiện cùng phía với Mặt Trời và sẽ không hiện diện trên bầu trời đêm.

Quá trình này sẽ xảy ra lúc 09:17 UTC+7 (giờ Việt Nam).

Đây là thời điểm tốt nhất tháng để quan sát các vật thể mờ như các thiên hà hay các cụm sao bởi vì không có sự lấn át của ánh trăng.

Ngày 31 tháng 01: Trăng tròn, siêu trăng, trăng xanh

Mặt Trăng sẽ xuất hiện phía đối diện với Mặt Trời và bề mặt của nó sẽ phản xạ tối đa ánh sáng Mặt Trời về phía Trái Đất.

Quá trình này sẽ diễn ra vào 20:26 UTC+7 (giờ Việt Nam).

Vì đây là lần trăng tròn thứ hai trong cùng một tháng, nên đôi khi nó được gọi là trăng xanh. Đây cũng là lần siêu trăng thứ hai trong tổng số hai lần siêu trăng của năm 2018. Mặt Trăng sẽ ở vị trí gần cực cận với Trái Đất và trông có vẻ lớn hơn và sáng hơn một chút so với lúc trăng tròn bình thường khác.

Ngày 31 tháng 01: Nguyệt thực toàn phần

Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối (Umbra) của Trái Đất và bị che khuất hoàn toàn. Khi nguyệt thực toàn phần xảy ra, ánh sáng đỏ từ Mặt Trời đi xuyên qua bầu khí quyển ở vùng rìa Trái Đất đến Mặt Trăng khiến cho Mặt Trăng phản xạ lại ánh sáng đỏ gây ra hiện tượng Mặt Trăng có màu đỏ tối, thường được gọi là trăng máu.

Nguyệt thực lần này sẽ hiện diện ở hầu hết khu vực phía tây Bắc Mỹ, phía đông Châu Á, Châu Úc, và Thái Bình Dương.

Việt Nam quan sát được toàn bộ sự kiện này.

Nguyệt thực bắt đầu lúc 17:51 UTC+7 (giờ Việt Nam) và kết thúc lúc 23:08 UTC+7 (giờ Việt Nam). Tổng thời gian diễn ra nguyệt thực là 5 giờ 17 phút. Nguyệt thực đạt cực đại lúc 20:29 với độ sáng biểu kiến là 1.32.