Gần đây cộng đồng mạng rộ lên tin đồn rằng ngày 30/9/2016 sẽ có "hiện tượng Trăng Đen", họ gọi đây là một hiện tượng thiên văn và sẽ khiến cho cả bầu trời phía Tây Bán cầu "tối đen như hũ nút". Thậm chí, nhiều người còn cho rằng đây là dấu hiệu của... Ngày tận thế!

Vậy "Trăng Đen" là gì? Và nó có đáng sợ hay không?

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!

Hình 1: Một mảnh trăng lưỡi liềm mỏng trong pha Trăng Mới ở phía bắc California. Ảnh: Tim Laman, National Geographic Creative.

Định nghĩa "Trăng Đen"

Có một vài định nghĩa về Trăng Đen. Nó có thể là lần trăng mới thứ ba trong một mùa thiên văn học có 4 lần trăng mới, hoặc là lần trăng mới thứ hai trong cùng một tháng dương lịch.

Trăng Đen không phải là một thuật ngữ thông dụng trong thế giới thiên văn học. Trong những năm gần đây, thuật ngữ này trở nên phổ biến bởi các nhà chiêm tinh học theo tôn giáo Wicca.

Trên thực tế không có một định nghĩa đơn lẻ nào được chấp nhận về Trăng Đen. Các thuật ngữ thường được sử dụng để ám chỉ về bất cứ hiện tượng nào có liên quan đến pha Trăng Mới:

  • Lần trăng mới thứ hai trong một tháng dương lịch: Những lần Trăng Đen thuộc định nghĩa này xảy ra khá thường xuyên, cứ khoảng 2.5 năm 1 lần.
  • Lần trăng mới thứ ba trong một mùa có 4 Trăng Mới: Các nhà thiên văn học chia một năm thành 4 mùa - xuân, hạ, thu, đông. Thường thì mỗi mùa có 3 tháng và 3 Trăng Mới. Khi một mùa có 4 Trăng Mới, thì lần trăng mới thứ ba được gọi là một Trăng Đen.
  • Một tháng dương lịch không có Trăng Mới: Điều này chỉ có thể xảy ra trong tháng Hai. Khi điều này xảy ra, tháng Một và tháng Ba sẽ có 2 Trăng Mới mỗi tháng, thay vì 1 Trăng Mới như thường lệ.
  • Một tháng dương lịch không có Trăng Tròn: Khoảng 19 năm 1 lần, tháng Hai lại không có Trăng Tròn. Thay vào đó, tháng Một và tháng Ba có 2 Trăng Tròn trong mỗi tháng. Theo định nghĩa này, lần Trăng Đen tiếp theo sẽ xảy ra vào tháng Hai năm 2018.

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!

Hình 2: Trăng lưỡi liềm mỏng xuất hiện ở ngày đầu tiên sau Trăng Mới. Ảnh: bigstockphoto.com/mr. Smith.

"Trăng Đen" ngày 30/9/2016: Chỉ là pha Trăng Mới mà thôi!

Nhân loại từ lâu đã bị mê hoặc với các sự kiện liên quan đến Mặt Trăng - và với sự phát triển của Internet, tất cả các khoảnh khắc của Mặt Trăng đã trở nên nhạy cảm với truyền thông. Chẳng hạn như siêu trăng, Trăng Mùa Gặt, hay "Siêu Trăng Máu Nhật Thực" cực kỳ hiếm xảy ra.

Vào ngày 30/9/2016, những người quan sát bầu trời ở Tây Bán cầu có thể bị cám dỗ để thêm vào danh sách một tên gọi Mặt Trăng khác: "Trăng Đen", với định nghĩa phổ biến nhất là lần trăng mới thứ hai trong cùng một tháng. Tuy nhiên, sự kiện này lại không phải là thời điểm tốt để... ngắm trăng!

Trăng Mới xảy ra khi quỹ đạo của Mặt Trăng đưa nó vào giữa Trái Đất và Mặt Trời, hướng mặt không được chiếu sáng của Mặt Trăng về phía Trái Đất. Vào ban đêm, pha Mặt Trăng này là không thể nhìn thấy: Khi mà các Trăng Mới đều nằm về cùng một phía với Mặt Trời, chúng sẽ mọc và lặn cùng Mặt Trời và sẽ bị lấn át bởi ánh sáng chói lòa của Mặt Trời.

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!

Hình 3: Các pha của Mặt Trăng. Ảnh: NASA.

Các Trăng Mới có thể dễ dàng được nhìn thấy chỉ khi chúng trực tiếp đi ngang qua trước Mặt Trời, gây ra hiện tượng nhật thực. Còn lại, những người quan sát bầu trời phải tìm đến những ngày trước hoặc sau Trăng Mới, khi chỉ có một mảnh lưỡi liềm mỏng của bề mặt được chiếu sáng của Mặt Trăng có thể nhìn thấy từ Trái Đất.

Thông thường, các Trăng Mới xảy ra chỉ một lần trong mỗi tháng, nhưng bởi vì có một chút sai lệch giữa các pha Mặt Trăng - một chu kỳ trung bình 29.5 ngày - và lịch Gregorian (lịch Tây, lịch Công, hay Dương lịch), nên một vài tháng có thể có hai lần trăng mới: một lần ở đầu tháng và một lần ở cuối tháng. Điều này xảy ra khoảng 32 tháng 1 lần.

Như vậy, một Trăng Đen giống như một anh em sinh đôi với một Trăng Xanh, thường được hiểu là lần trăng tròn thứ hai trong cùng một tháng. Rõ ràng, cũng như các sự kiện thiên văn học khác, sự kiện trăng mới này là hoàn toàn bình thường. Nó không thể mang đến tin tức xấu hay dấu hiệu bệnh tật nào như các nhà phù thủy chiêm tinh học đã loan báo trên mạng.

Nếu có, thì lần Trăng Đen này cũng chỉ báo hiệu những sự khởi đầu mới và các lễ hội: Vào tối ngày 02/10/2016, một trăng lưỡi liềm mỏng sẽ xuất hiện trong ngày Rosh Hashanah, năm mới của người Do Thái. Và vào ngày 03/10, trăng lưỡi liềm cũng đánh dấu sự bắt đầu của Muharram, tháng đầu tiên của âm lịch (lịch Mặt Trăng) của người Hồi giáo.

Lần trăng mới vào ngày 30/9/2016 cũng không phải là một "trăng đen" thực sự đối với phần đông nhân loại. Ở Đông Bán cầu (trong đó có Việt Nam), lần trăng mới này bắt đầu sau nửa đêm và rơi vào ngày 01/10, khiến cho nó không còn đúng với định nghĩa phổ biến của "Trăng Đen". Ở Việt Nam chẳng hạn, sự kiện Trăng Mới xảy ra lúc 7:11 ngày 01/10/2016 theo giờ địa phương, có nghĩa là toàn bộ Việt Nam sẽ không gặp một "trăng đen" trong những ngày sắp tới.

Tuy nhiên, phía Đông Bán cầu thay vào đó sẽ gặp một "trăng đen" vào cuối tháng 10/2016, với lần trăng mới thứ hai xảy ra. Đối với những người đang sống ở khu vực Đông Á, bao gồm cả Việt Nam, Nhật Bản, New Zealand, và Australia, "trăng đen" sẽ xảy ra vào một ngày đặc biệt: 31/10, hay lễ hội Halloween!

Nguồn: NationalGeographic, TimeAndDate

Tham khảo

  1. NationalGeographic: The September 30 Black Moon Explained
  2. TimeAndDate: What Is a Black Moon?
  3. NASA: Black Moon Rising
  4. VLTV: Trăng xanh là gì?