Nếu bạn là sinh viên, thì thời khắc căng thẳng nhất và cũng là tự hào nhất là khi bạn đứng trước hội đồng để bảo vệ những thành quả của mình sau quãng thời gian bền bỉ kiên gan trên ghế trường Đại học. Trong tháng Tám này, có một thành viên thuộc ban Truyền thông của VLTV, Đỗ Thị Kim Liên, cũng vừa bảo vệ tốt nghiệp cử nhân thành công tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.



Hình 1. Thành viên Đỗ Thị Kim Liên đang bảo vệ tốt nghiệp cử nhân trước hội đồng tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Liên là một cô gái xinh đẹp đến từ Bình Dương, lặn lội quãng đường xa xôi để theo đuổi đam mê với ngành Vũ trụ và Ứng dụng, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ngay từ năm nhất trên ghế giảng đường Đại học, Liên đã được USTH trao học bổng xuất sắc. Ngay sau khi nhập học USTH năm 2020, Liên đã tham gia vào ban Quản trị của VLTV và sau đó là thành viên của CLB VLTV VN.

Yêu thích Vật lý thiên văn từ lâu, Liên đã quyết tâm theo đuổi hướng nghiên cứu này. Bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi của mình, Liên đã nhận được học bổng SAGI để đi thực tập tại Quy Nhơn và sau đó là Viện nghiên cứu Thiên văn - Vũ trụ Hàn Quốc (KASI), trong nhóm nghiên cứu của Giáo sư Hoàng Chí Thiêm. Đây cũng là nơi mà Liên hội ngộ cùng 3 admin khác của VLTV gồm Nguyễn Bích Ngọc, Nguyễn Châu Giang, và Trương Lê Gia Bảo.

Đề tài thực tập của Liên được thiết kế nhằm mục đích kiểm tra ảnh hưởng hiện tượng gián đoạn Mô men xoắn Bức xạ (RAT-D) của các hạt bụi gây ra bởi quá trình phản hồi bức xạ của các ngôi sao. Phản hồi bức xạ từ các ngôi sao nặng được cho là sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tính chất vật lý và hóa học của môi trường xung quanh. Các nghiên cứu trước đây dự đoán rằng hiệu ứng RAT-D sẽ chuyển đổi các hạt bụi lớn thành các mảnh nhỏ, làm giảm sự phân cực trong bước sóng hồng ngoại xa (Far-IR) từ các hạt bụi lớn, nhưng làm tăng sự phong phú của các phân tử hydrocarbon thơm đa vòng (PAH) và sự phát xạ của chúng ở bước sóng hồng ngoại trung (Mid-IR).

Hình 2. Đề tài thực tập của Liên liên quan đến bụi vũ trụ.

Để kiểm tra những dự đoán này, nhóm của Liên đã tìm kiếm bằng chứng về RAT-D bằng cách sử dụng dữ liệu phân cực bụi mà công cụ SOFIA/HAWC+ của NASA quan sát được. Dữ liệu phân cực tiết lộ bằng chứng về RAT-D ở khu vực trung tâm của tinh vân Orion-BN/KL. Sau đó, nhóm của Liên cũng tiếp tục sử dụng dữ liệu phát xạ hồng ngoại trung của PAH từ kính thiên văn Spitzer.

Sau quá trình nghiên cứu, báo cáo của Liên cho thấy rằng có mối liên hệ giữa sự phát xạ 4,5 µm và 5,8 µm của các phân tử PAHs và sự phát xạ 214 µm từ các hạt bụi trong OMC-BN/KL và vùng H II. Các quan sát cho thấy sự gia tăng phát xạ do các PAH nhỏ phát ra có thể do cơ chế RAT-D gây ra.

Phần bảo vệ tốt nghiệp của Liên được hội đồng đánh giá rất cao. Xin chúc mừng Liên đã hoàn thành một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời mình. Chúc Liên luôn luôn xinh đẹp, hạnh phúc và luôn giữ lửa đam mê với VLTV.