Quy Nhơn được biết đến là địa điểm năng động nhất của những người yêu khoa học tại Việt Nam. Nếu như tháng Sáu rộn ràng với sự kiện Tuần lễ Vũ trụ Việt Nam của NASA, thì trong tháng Bảy vừa qua, VLTV cũng có nhiều thành viên hội ngộ tại Quy Nhơn với các sự kiện khoa học đáng chú ý.

Hình 1. Các thành viên VLTV chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE). Từ trái sang: TS. Nguyễn Tùng Lâm (ban Cố vấn, Huỳnh Quốc Thắng (ban Nhân sự - Tài chính), Nguyễn Thị Hiền (ban Sự kiện), Nguyễn Quang Anh (ban Sự kiện), và một học viên tham dự trường học.

Thực tập ở ICISE

VLTV có một thành viên thực tập tại Viện nghiên cứu Khoa học và Giáo dục Liên ngành (IFIRSE) thuộc Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE). Đó là Nguyễn Thị Hiền, thành viên ban Sự kiện, sinh viên năm 3 hệ cử nhân chuyên ngành Vũ trụ và Ứng dụng, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Với ước mơ theo đuổi lĩnh vực vật lý neutrino, Hiền đã mạnh dạn xin thực tập với nhóm nghiên cứu neutrino ở IFIRSE.

Mùa hè ở ICISE thực sự sôi động khi mà các trường khoa học liên tục được tổ chức tại đây, và các thành viên của VLTV cũng không bỏ lỡ cơ hội tham gia các chương trình mang tính học thuật này. Từ đó ở ICISE đã có những cuộc gặp gỡ thật thú vị.

Hình 2. Nguyễn Thị Hiền thực tập tại IFIRSE/ICISE.

Trường học Quan sát Thiên văn SAGI

Nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu cho sinh viên trong lĩnh vực Vật lý thiên văn, đặc biệt là các chuyên gia tại Đài Quan sát thiên văn Quy Nhơn, năm 2023 Trường học Quan sát Thiên văn SAGI lần đầu tiên được tổ chức tại ICISE. Nhóm Vật lý Thiên văn SAGI, Viện Khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE) phối hợp với Đài thiên văn Quy Nhơn là các đơn vị tổ chức Trường học Quan sát Thiên văn này. Các nội dung của trường học tập trung vào các kỹ năng thực tế trong quan sát, vận hành và phát triển thiết bị.

Tham gia Trường học Quan sát Thiên văn lần đầu tiên này, VLTV vinh dự có hai thành viên tham gia với tư cách là giảng viên và các thành viên khác tham gia với tư cách là học viên. Các giảng viên bao gồm TS. Nguyễn Tùng Lâm và Th.S. Phạm Vũ Lộc, cả hai đều đến từ ban Cố vấn. Các học viên gồm có Huỳnh Quốc Thắng, thành viên ban Nhân-Tài, sinh viên năm 2 ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh (USTH), Nguyễn Quang Anh, thành viên ban Sự kiện, sinh viên năm nhất tại USTH. Ngoài ra còn có TS. Lê Ngọc Trẫm (Viện Max Planck, CHLB Đức) và TS. John Hoang (SETI), là thành viên của VLTV Admin Team cũng tham gia trường học với vai trò là giảng viên.

Hình 3. Từ trái sang: Th.S. Phạm Vũ Lộc, T.S. Nguyễn Tùng Lâm, và Nguyễn Quang Anh.

Hình 4. Các thành viên chụp ảnh lưu niệm. Từ trái sang: Mai Nhật Tân (học viên thạc sĩ Vũ trụ tại USTH, học viên tham dự lớp học), Nguyễn Thị Hiền (ban Sự kiện), Th.S. Phạm Vũ Lộc (ban Cố vấn), TS. Nguyễn Tùng Lâm (ban Cố vấn). Hàng sau: Nguyễn Quang Anh (ban Sự kiện).

Thiên văn học là một lĩnh vực vô cùng thú vị và cũng không kém phần quan trọng trong đời sống, kinh tế và xã hội. Trường học được tổ chức ở ICISE và Đài thiên văn Quy Nhơn đã mang lại cơ hội được thực hành với chiếc kính thiên văn hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay.

Hình 5. Từ trái sang: TS. Nguyễn Tùng Lâm, Huỳnh Quốc Thắng, Nguyễn Thị Hiền.

Ngoài Trường học Quan sát Thiên văn SAGI, Nguyễn Thị Hiền và Huỳnh Quốc Thắng còn tham gia Trường học Việt Nam về Neutrino lần thứ 7 cũng được tổ chức tại ICISE.

Tham khảo

  1. 2023 SAGI Observational Astronomy School – IFIRSE. 2022, 2023 SAGI Observational Astronomy School – IFIRSE, https://ifirse.icise.vn/2022/12/03/2023-sagi-observational-astronomy-school/