Tiếp bước các anh chị thành viên VLTV vừa bảo vệ thạc sĩ thành công hồi đầu tháng, sau thời gian 4 tháng thực tập tại Pháp, Mai Như Tín, trưởng ban Sự kiện CLB VLTV VN cũng vừa bảo vệ tốt nghiệp cử nhân thành công tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Hình 1. Mai Như Tín (áo vàng), trưởng ban Sự miện CLB VLTV VN, trong thời gian thực tập tại Pháp. Trong bức ảnh này còn có sự hiện diện của Tôn Thất Minh Bảo (áo xanh), cũng là thành viên ban Sự kiện, vừa mới bảo vệ tốt nghiệp thạc sĩ vũ trụ thành công

Mai Như Tín là thành viên thế hệ đầu tiên của CLB VLTV VN từ năm 2020. Chàng sinh viên người Đà Nẵng này nhanh chóng trở thành thành viên quan trọng của CLB. Một năm sau, Tín được bầu trở thành trưởng ban Sự kiện của CLB VLTV VN, chuyên tổ chức các hoạt động quan sát thiên văn và dã ngoại cho thành viên của CLB.

Không chỉ là một thành viên năng nổ của VLTV, Mai Như Tín còn là một sinh viên xuất sắc tại USTH. Theo học chuyên ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh, trước khi được nhận thực tập tại Pháp, Tín đã kịp điền vào CV của mình Giải Nhì môn Đại số tại kỳ thi Olympic Toán học toàn quốc lần thứ 29 vừa qua. Tại Pháp, Tín thực tập tại Phòng thí nghiệm Hạt Thiên văn và Vũ trụ học (APC), trường Đại học Paris. Đề tài thực tập của Tín liên quan đến lĩnh vực Vũ trụ học với tiêu đề: Đo lường hình dạng của thiên hà để tìm kiếm hiện tượng thấu kính hấp dẫn yếu.

Các cuộc khảo sát thấu kính hấp dẫn yếu gần đây, bao gồm các vùng trời rộng lớn và yêu cầu các phép đo có độ chính xác cao, phải đối mặt với sự không chắc chắn về mặt hệ thống trong việc định lượng mối quan hệ giữa biến dạng thấu kính hấp dẫn và các đặc tính hình ảnh thiên hà có thể quan sát được. Do đó, điều cần thiết là phải định lượng các sai số liên quan đến các phép đo này. Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu mà Tín tham gia đã xác định các sai lệch ở mức vài phần trăm đối với sai lệch nhân và ở mức 10−3 đối với sai lệch cộng. Những sai lệch này phát sinh từ các yếu tố như hình thái thiên hà và Hàm Khuếch tán Điểm (PSF). Phân tích sử dụng phương pháp đo hình dạng và dữ liệu thiên hà từ danh mục COSMOS, tất cả đều được triển khai trong gói GalSim của Python.

Hơn nữa, nghiên cứu đã nhấn mạnh tác động tiềm ẩn của bộ lọc băng thông rộng của vệ tinh Euclid, bộ lọc này có khả năng giảm thiểu những sai lệch này khi so sánh với bộ lọc hẹp hơn hoạt động ở đầu xa của phổ khả kiến. Ngoài ra, nghiên cứu cũng đã đánh giá hiệu suất của một phương pháp hiệu chuẩn đơn giản sử dụng chính mô hình xấp xỉ tuyến tính. Điều đáng chú ý là phương pháp này đã loại bỏ thành công các sai lệch sau khi hiệu chuẩn.

Báo cáo thực tập của Tín được hội đồng đánh giá rất cao. Quá trình thực tập của Tín tại Pháp cũng nhận được sự hài lòng của các Giáo sư hướng dẫn. Kết thúc hành trình đầu tiên trên con đường theo đuổi đam mê với Vật lý thiên văn, Tín dự định sẽ theo học M1 ở USTH và tìm kiếm cơ hội du học M2 ở nước ngoài, xa hơn nữa là được làm nghiên cứu sinh đúng theo lĩnh vực đã chọn.

Tham khảo

  1. PHAN, H. 2023, Nhiều thành viên VLTV đạt thành tích cao trong các kỳ thi Olympic Quốc gia, https://vatlythienvan.com/127-thien-van-viet-nam/105-hoat-dong-vltv/5513-nhieu-thanh-vien-vltv-dat-thanh-tich-cao-trong-cac-ky-thi-olympic-quoc-gia.html