Năm 2006, tại Quyết định số 137/2006/QÐ - TTg (ngày 14-6), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng CNVT đến năm 2020" phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chiến lược xác định mục tiêu cơ bản là: Từng bước làm chủ công nghệ chế tạo các trạm mặt đất, tự chế tạo các trạm mặt đất có giá cạnh tranh; làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất; làm chủ được công nghệ và kỹ thuật tên lửa. Ðào tạo được đội ngũ cán bộ có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển CNVT ở Việt Nam. Nâng cấp hạ tầng cơ sở ban đầu thông qua việc chuẩn bị phương án và kế hoạch phóng vệ tinh viễn thông thứ hai, đáp ứng nhu cầu khai thác  dịch vụ viễn thông, phát thanh truyền hình trong nước. Chế tạo và phóng thêm một số vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, thay thế một phần ảnh vệ tinh của nước ngoài. 

Để thực hiện chiến lược này, 20 tháng 11, 2006, Viện Công nghệ Vũ trụ đã được thành lập. Đây là cơ quan nghiên cứu vũ trụ duy nhất ở Việt Nam tại thời điểm đó, và cũng là một cơ quan chức năng, trực thuộc của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Viện Công nghệ Vũ trụ (STI) là một bước ngoặt đầu tiên trong lĩnh vực khoa học công nghệ vũ trụ của Việt Nam.

Vật lý Thiên văn - vatlythienvan.com
Hình ảnh kỷ niệm 5 năm thành lập STI. Nguồn: VAST

CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ

Chức năng

Nghiên cứu cơ bản, điều tra cơ bản, phát triển và ứng dụng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực khoa hoc, công nghệ vũ trụ và các lĩnh vực khoa học khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ

  • Nghiên cứu cơ bản và điều tra cơ bản trong lĩnh vực khoa học, công nghệ vũ trụ;
  • Nghiên cứu phát triển công nghệ vũ trụ bao gồm: Công nghệ vệ tinh, Công nghệ trạm mặt đất, Công nghệ định vị nhờ vệ tinh, Công nghệ viễn thám và các công nghệ liên quan;
  • Ứng dụng và chuyển giao công nghệ vũ trụ để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh;
  • Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu vệ tinh về nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ;
  • Tiếp nhận, quản lý và tổ chức vận hành khai thác vệ tinh quan sát trái đất của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam;
  • Dịch vụ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ vũ trụ và các lĩnh vực khoa học khác có liên quan;
  • Đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ cao trong lĩnh vực khoa học. công nghệ vũ trụ và các lĩnh vực khoa học khác có liên quan;
  • Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ vũ trụ và các lĩnh vực khoa học khác có liên quan.

Vật lý Thiên văn - vatlythienvan.com

CƠ CẤU TỔ CHỨC

Các phòng chuyên môn

  • Phòng Ứng dụng Công nghệ không gian trong nghiên cứu môi trường
  • Phòng Viễn thám ứng dụng
  • Phòng Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ vệ tinh
  • Phòng Công nghệ viễn thám,GIS và GPS
  • Trung tâm Điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ

Các đơn vị quản lý nghiệp vụ

  • Phòng Quản lý Tổng hợp

LỰC LƯỢNG CÁN BỘ

Tổng số CBVC: 57 người

  • Số biên chế: 43
  • Số hợp đồng: 14
  • Giáo sư:
  • Phó giáo sư: 01
  • Tiến sỹ: 06
  • Thạc sỹ: 15
  • Cử nhân: 31
  • Khác: 04

CÁC HOẠT ĐỘNG THƯỜNG XUYÊN CỦA ĐƠN VỊ

Hiện nay, Viện CNVT có 2 hướng nghiên cứu chính: Công nghệ vệ tinh và Ứng dụng CN vũ trụ (viễn thám)

Về Hướng nghiên cứu công nghệ vệ tinh

Từ những năm 1998-2000, Phòng Kỹ thuật Viễn thám – Viện Vật Lý (sau chuyển về Viện CNVT) đã tiến hành các nghiên cứu về CN vệ tinh, như Nghiên cứu chế tạo các Hệ thống thu ảnh vệ tinh khí tượng GMS, NOOA, FY2; Thành lập Đoàn thực tập 6 tuần về CN vệ tinh nhỏ tại Hàn Quốc, trở thành nhóm nghiên cứu chủ lực cho các Dự án vệ tinh sau này. Xây dựng hệ thống mô phỏng và thử nghiệm các chức năng của vệ tinh nhỏ.

Viện đã tiến hành nghiên cứu chế tạo các mô-đun điện tử khối đồng bộ khung ảnh của vệ tinh FY2 bằng công nghệ nhúng FPGA; Phối hợp với Viện Công nghệ thông tin thực hiện nhiệm vụ: “Nghiên cứu hệ thống giám sát và điều khiển - dẫn đường các phương tiện giao thông trong thành phố” ứng dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS. Chế tạo Hệ phổ kế phản xạ vùng sóng nhìn thấy và hồng ngoại phục vụ công tác thực địa viễn thám.

Từ năm 2009, thực hiện chủ trương của Chủ tịch Viện HLKHCNVN, Viện CNVT đã tích cực tham gia Ban Quản lý dự án vệ tinh nhỏ Việt Nam VNREDSat-1, thực hiện các công tác chuẩn bị và đàm phán, thương thảo hợp đồng với Nhà thầu Astrium – EADS, CH Pháp. Vệ tinh VNREDSat-1 là vệ tinh viễn thám quang học đầu tiên của Việt Nam với độ phân giải cao 2.5m ảnh toàn sắc, 10m – đa phổ. Hiện nay, Vệ tinh VNREDSat-1 đã được phóng thành công vào quỹ đạo ngày 07/5/2013 bằng tên lửa đẩy VEGA từ sân bay vũ trụ Kourou ở Guiana thuộc Pháp. Vệ tinh VNREDSat-1 có nhiệm vụ chính là chụp ảnh bề mặt trái đất, cung cấp một số lượng lớn ảnh quang học độ có phân giải cao một cách chủ động và kịp thời cho các Bộ, ngành, các tỉnh thành, các cơ quan nghiên cứu khoa học và các trường đại học có nhu cầu giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Trong thời gian qua, các cán bộ kỹ thuật do Viện HLKHCNVN cử sang thực tập và tiếp nhận công nghệ tại CH Pháp cùng các chuyên gia Pháp thực hiện các công việc như: điều khiển ổn định quỹ đạo làm việc; hiệu chỉnh các thông số hệ thống đối với các thiết bị gắn trên vệ tinh đặc biệt là đối với hệ thống quang học nhằm nâng cao chất lượng ảnh chụp. Sau hơn 3 tháng kể từ khi vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam – VNREDSat-1 được phóng thành công vào quỹ đạo và đi vào hoạt động ổn định trên quỹ đạo, các tính năng và thông số kỹ thuật của vệ tinh đáp ứng tất cả các yêu cầu đề ra, chiều ngày 04/9/2013 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm KHCNVN và nhà tổng thầu Công ty EADS Astrium - Pháp đã tổ chức Lễ bàn giao hệ thống vệ tinh VNREDSat-1 cho phía Việt Nam để chính thức đưa vào vận hành khai thác sử dụng. Việc lập kế hoạch và vận hành vệ tinh chụp ảnh do Trung tâm Điều khiển và Khai thác Vệ tinh nhỏ thuộc Viện Công nghệ vũ trụ, Viện Hàn lâm KHCNVN thực hiện, còn phần thu nhận ảnh từ vệ tinh được thông qua Trạm thu ảnh vệ tinh thuộc Cục Viễn thám quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Vật lý Thiên văn - vatlythienvan.com

Giới thiệu và mô phỏng hành trình của VNREDSat-1

Tiếp theo Dự án vệ tinh VNREDSat-1, Viện CNVT tiếp tục tham gia Ban Quản lý dự án vệ tinh VNTREDSat-1B, trên cơ sở hợp tác với Cty SpaceBel của Vương Quốc Bỉ, bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Bỉ. Đây là vệ tinh viễn thám sử dụng công nghệ siêu phổ, cung cấp những bức ảnh vệ tinh với hơn 100 kênh phổ, phục vụ các mục đích nghiên cứu, phân tích các đối tượng khác nhau.

Đặc biệt, Viện Công nghệ vũ trụ còn tham gia Chương trình KHCN vũ trụ 2012-2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 137/2006/QĐ/TTg ngày 14/06/2006 phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” của Việt Nam, trong đó, giao Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

  • Nghiên cứu các vấn đề cơ bản có chọn lọc liên quan đến khoa học và công nghệ vũ trụ.
  • Chủ trì việc nghiên cứu và phát triển công nghệ vệ tinh nhỏ.
  • Chủ trì xây dựng, trình duyệt, tổ chức thực hiện chương trình khoa học công nghệ độc lập về công nghệ vũ trụ, dự án phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ vũ trụ.

Để thực hiện nhiệm vụ được giao về “Chủ trì xây dựng, trình duyệt, tổ chức thực hiện chương trình khoa học công nghệ độc lập về công nghệ vũ trụ”, Chủ tịch Viện HLKHCNVN đã thành lập “Ban xây dựng chương trình KHCN về Công nghệ vũ trụ” gồm đại diện của các Bộ, ngành có liên quan: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội vô tuyến điện tử Việt Nam và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Quyết định số 04/QĐ-KHCNVN ngày 24/01/2007).

Các nội dung (các hướng) nghiên cứu chính của trình KHCNVT

  • Nghiên cứu công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất;
  • Nghiên cứu chế tạo thiết bị, trạm mặt đất;
  • Nghiên cứu mở rộng và nâng cao hiệu quả ứng dụng CNVT phục vụ phát triển KTXH, an ninh quốc phòng (xử lý và ứng dụng ảnh viễn thám; nghiên cứu lựa chọn và ứng dụng hệ thống định vị GPS, . . .);
  • Các nghiên cứu cơ bản liên quan đến Công nghệ vũ trụ: các thuật toán nén và giải nén ảnh, mã hóa và giải mã; các thuật toán điều khiển; khí động học, động lực học và cơ học đối với vật thể bay; vật lý khí quyển; năng lượng (pin mặt trời, . . . ) trên vệ tinh; vật liệu vũ trụ; sinh - y học vũ trụ, v.v.
  • Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về các vấn đề liên quan đến CNVT.

Hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển KT-XH, ANQP

Đây là hướng nghiên cứu ứng dụng có truyền thống lâu năm của Viện từ khi chưa thành lập, bao gồm các chuyên gia trình độ cao, có uy tín trong và ngoài nước.

Với ưu thế nổi trội của các chuyên gia lập trình các phần mềm xử lý ảnh vệ tinh, hướng ứng dụng CNVT tập trung đi vào nghiên cứu các vấn đề sau:

  • Quản lý tài nguyên thiên nhiên
  • Nghiên cứu, giám sát môi trường phục vụ quy hoạch và phát triển lãnh thổ
  • Nghiên cứu, giám sát lớp phủ rừng, sinh khối, cháy rừng.
  • Quy hoạch đô thị, giao thông
  • Quản lý đới bờ, biển đảo, thiên tai
  • An ninh quốc phòng

Để thực hiện tốt Chiến lược Nghiên cứu và ứng dụng CNVT đến năm 2020 của TTg, Viện KHCNVN đã được giao chủ trì Chương trình độc lập cấp NN về KHCN vũ trụ từ năm 2008. Chương trình tập trung vào các hướng chính là: CN vệ tinh, CN phóng vệ tinh, ứng dụng viễn thám, CN trạm mặt đất, các nghiêm cứu cơ bản, nghiên cứu khung pháp lý về sử dụng khoảng không vũ trụ, v.v.

Viện CNVT đã tham gia Ban Chủ nhiệm Chương trình, chủ nhiệm một số đề tài và tham gia nhánh một số đề tài, đạt được kết quả và uy tín cao.

Trong 7 năm qua, Viện CNVT đã thực hiện nhiều đề tài, hợp đồng triển khai ứng dụng viễn thám và tư liệu ảnh vệ tinh về các vấn đề cấp thiết, như nghiên cứu nguy cơ trượt lở tuyến đường Hồ Chí Minh, thành lập các bản đồ hiện trạng và biến động lớp phủ rừng, các bản đồ tổng hợp quản lý lãnh thổ theo hưởng giảm thiểu xói lở, đánh giá môi trường sinh thái do các công trình xây dựng gây ra, bản đồ ngập lụt và nguy cơ lũ quét, nghiên cứu môi trường biển, thành lập bản đồ nhiệt độ bề mặt lãnh thổ Việt Nam, v.v... Ứng dụng viễn thám và ảnh vệ tinh giám sát tình tạng đô thị hóa ở các thành phố công nghiệp, tình trạng ngập lụt của ĐB Sông Cửu Long, giám sát biên giới, biển đông hải đảo, v.v…

Từ những năm 2000 đến nay, Viện đã đi sâu nghiên cứu chế tạo các hệ phổ kế SCT băng L,C,X phục vụ các nghiên cứu giám sát các thông số môi trường như độ ẩm đất, sinh khối lớp phủ thực vât, nhiệt độ và độ mặn nước biển, thực hiện nhiều chuyến bay thực nghiệm viễn thám hàng không đo và thành lập bản đồ độ ẩm đất.

Ngoài các đề tài nghiên cứu cấp Bộ , cấp Nhà nước, Viện còn thực hiện nhiều Hợp đồng ứng dụng triển khai với các Cơ quan nghiên cứu, quản lý trong và ngoài nước. Năm 2008, Viện đã thực hiện Hợp đồng với Cơ quan phát triển GTZ của CHLB Đức về quản lý rừng các tỉnh Sơn La, Hòa Bình bằng công nghệ viễn thám. Hợp tác với Tổ chức Phát triển Hà Lan về đánh giá hiện trạng và biến đổi diện tích rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau.


STI và VAST chủ trì Diễn đàn các Cơ quan Vũ trụ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 20 (APRSAF-20)


Cuộc thi chế tạo và bắn tên lửa nước dành cho trẻ em lứa tuổi dưới 15, được tổ chức bên lề APRSAF-20

NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT

Sau 7 năm xây dựng và phát triển, Viện đã thực hiện 31 đề tài nghiên cứu các cấp, với tổng kinh phí là 13,413 tỷ đồng. Tổng số công trình đã công bố là 107, trong đó có 42 công bố quốc tế.

Về HTQT: xác định CNVT là một ngành rất mới ở VN đòi hỏi HTQT nhiều, Viện đã chủ động mở rộng HTQT với nhiều Cơ quan vũ trụ quốc tế như ESA, NASA, JAXA, ISRO, ROSCOSMOS, UNOOSA, UNESCAP, v.v.

Quan hệ HTQT được thực hiện thông qua việc Viện trở thành thành viên của các Tổ chức như APRSAF, các tổ chức Giáo dục vũ trụ của APRSAF, tổ chức cho học sinh phổ thông các hoạt động tên lửa nước, vẽ tranh vũ trụ, v.v… nhằm khích lệ lòng say mê khám phá vũ trụ, yêu khoa học của các em, tạo ra nguồn nhân lực tương lai cho KHCN vũ trụ.

Trong hợp tác KHCN với JAXA, Viện đã tham gia Dự án SAFE - Ứng dụng CNVT giám sát môi trường, Chương trình vệ tinh khu vực Châu Á – TBD (STAR Prog.), hợp tác với Công ty EADS – Innovatives Singapore trong đào tạo nhân lực, ứng dụng viễn thám nghiên cứu sinh khối thực vật và trượt lở đất ở Việt Nam. Tham gia Dự án Vệ tinh nhỏ VN giám sát tài nguyên thiên môi trường và thiên tai – VNREDSat-1, tham gia các Hội thảo quốc tế và khu vực, từ đó mở ra những cơ hội trao đổi, chia sẻ thông tin.

Ngày 10-14/10/2011, dưới sự chỉ đạo của Viện KHCNVN, Viện CNVT đã chủ trì Hội thảo quốc tế lần thứ 2 do UNOOSA/ESA/Việt Nam chủ trì với chủ đề “Ứng dụng công nghệ vũ trụ vì các lợi ích kinh tế - xã hội” tại Hà Nội. Hội thảo bao gồm đại diện các nhà khoa học, quản lý từ 23 quốc gia và 5 Tổ chức quốc tế về Hàng không vũ trụ. Hội thảo đã thành công tốt đẹp, qua đó đã thành lập 6 nhóm chuyên môn để tiếp tục hợp tác, xây dựng các Dự án thí điểm và đào tạo cán bộ. Nước chủ nhà Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về điều kiện và tiềm năng phát triển trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ.

Đặc biệt, hội thảo các cơ quan vũ trụ khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 20 (APRSAF-20) được tổ chức từ ngày 03 - 06 tháng 12 năm 2013 tại Hà Nội với chủ đề: “Giá trị từ không gian: 20 năm kinh nghiệm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Hội thảo được đồng tổ chức bởi Viện Công nghệ vũ trụ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST); Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao; Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) và Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA).

Về công tác đào tạo, cán bộ của Viện trong 7 năm qua đã tham gia giảng dạy sinh viên, cao học, hướng dẫn nghiên cứu sinh, là nòng cốt của nhiều đơn vị đào tạo. Đồng thời, Viện đã chủ trì nhiều khóa học về công nghệ vệ tinh, viễn thám, xử lý ảnh vệ tinh, tham gia các đề tài thí điểm (pilot project), cử cán bộ đi học tập ở nước ngoài. Vì vậy, lực lượng tiến sĩ, thạc sĩ đang ngày càng phát triển, đóng góp lớn lao vào sự nghiệp phát triển của Viện.

Trên cơ sở Hiệp định hợp tác KHCN giữa JAXA & Viện KHCNVN đã được ký vào năm 2006, Viện CNVT đã tích cực hợp tác với các đối tác Nhật Bản, xây dựng Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam. Và ngày 16/9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Trung tâm vệ tinh Việt Nam, trực thuộc Viện KHCNVN. Một phần cán bộ Viện CNVT đã chuyển sang làm việc tại Trung tâm Vệ tinh Việt Nam từ 2012.

Website: http://www.sti.vast.ac.vn

Nguồn: Viện Công nghệ Vũ trụ STI
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST)